Cập nhật: 03/01/2025 21:38:00
Xem cỡ chữ

Từ năm 2022, ngành Thuế đã triển khai hóa đơn điện tử để ngăn chặn mua, bán hóa đơn trái phép. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã sử dụng các chiêu trò, thủ đoạn tinh vi để thực hiện mua, bán hóa đơn trái phép nhằm giảm số thuế giá trị gia tăng mà doanh nghiệp phải nộp cho Nhà nước để thu lời bất chính. Trong năm 2024, cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh đã điều tra, làm rõ nhiều vụ án, thu hồi số tiền lớn cho ngân sách Nhà nước, đồng thời, đưa ra “cảnh báo đỏ” đối với hành vi này.

Qua công tác đấu tranh, cơ quan công an xác định, có nhiều cá nhân, tổ chức mua, bán hóa đơn trái phép để hợp thức hóa khoản chi phí không có hóa đơn, chứng từ; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gian lận thương mại. Việc mua, bán, giao dịch chủ yếu hoạt động trên mạng xã hội. Cá biệt, có trường hợp lập văn phòng, công ty ảo, kinh doanh nhiều lĩnh vực, không có cửa hàng, thường xuyên thay đổi địa điểm kinh doanh nhưng không thay đổi cơ quan quản lý thuế để tránh bị phát hiện. Chi phí mua hóa đơn thường từ 2 - 7%.

Năm 2024, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh đã thụ lý 12 vụ với 31 bị can; trong đó, khởi tố, điều tra 6 vụ với 25 bị can về tội “Trốn thuế” và “mua, bán hóa đơn trái phép”. Quá trình điều tra, đã thu tổng số tiền trốn thuế và thu lời bất chính hơn 25 tỷ đồng.

Theo quy định, các hành vi cấu thành tội mua, bán trái phép hóa đơn, với cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng - 5 năm. Các pháp nhân thương mại có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Do đó, mọi cá nhân, tổ chức cần tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, không mua, bán hóa đơn trái phép ở bất cứ hình thức nào. Nếu vi phạm, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật hiện hành.

Kim Liên