Cập nhật: 07/01/2025 08:23:00
Xem cỡ chữ

Triển vọng đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine trong năm 2025 đang gặp nhiều thách thức. Các vấn đề về lãnh thổ và đảm bảo an ninh tiếp tục là rào cản lớn, khiến khả năng chấm dứt xung đột trở nên mờ mịt. Theo các chuyên gia, việc đạt được lệnh ngừng bắn có thể khả thi hơn, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột trong thời gian ngắn.

Chú thích ảnh

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa), Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Paris, Pháp, ngày 7/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Đài phát thanh châu Âu tự do (RFE/RL) ngày 6/1, sau gần 3 năm kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, triển vọng về một thỏa thuận hòa bình giữa hai bên đang được các chuyên gia quốc tế đánh giá lại trong bối cảnh mới của năm 2025.

Như nhận định của nhiều nhà phân tích, khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình lâu dài giữa Nga và Ukraine trong năm 2025 là rất khó xảy ra. Nguyên nhân chính đến từ việc các bên liên quan vẫn bất đồng về nhiều vấn đề cốt lõi.

Nigel Gould-Davies, nghiên cứu viên cấp cao về Nga và Âu-Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London (Anh) nhận định: "Chúng ta còn rất, rất xa mới có thể chấm dứt cuộc chiến".

Vấn đề lãnh thổ và đảm bảo an ninh là hai trở ngại chính cho bất kỳ thỏa thuận nào. Về lãnh thổ, mặc dù Ukraine đang tỏ ra sẵn sàng chấp nhận để Nga kiểm soát tạm thời một số vùng do tình hình chiến sự bất lợi, Moskva vẫn kiên quyết đòi công nhận chủ quyền chính thức đối với 4 tỉnh của Ukraine - điều mà Kiev không thể chấp nhận.

Về an ninh, Nga cương quyết phản đối Ukraine gia nhập NATO và bất kỳ thỏa thuận nào tương đương với tư cách thành viên của liên minh. "Thật khó hình dung được một sự đảm bảo an ninh có thể làm hài lòng cả hai bên", chuyên gia Gould-Davies nhận xét.

Tuy nhiên, khả năng đạt được lệnh ngừng bắn được đánh giá là khả thi hơn, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng ngày 20/1 và đã nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc xung đột này trong vòng 24 giờ.

"Ông Trump có thể khiến cả Nga và Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán", Olga Oliker, Giám đốc chương trình châu Âu và Trung Á tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nhận định.

Về phần mình, Sam Greene, Giáo sư Viện "King's Russia" thuộc Đại học "King's College London" dự báo: "Chúng ta có thể sẽ chứng kiến một lệnh ngừng bắn trên thực tế, nếu không muốn nói là trên pháp lý, cùng với các cuộc đàm phán ở một số mức độ trong suốt năm 2025".

Nhưng việc triển khai lực lượng phương Tây tại Ukraine sau ngừng bắn cũng là vấn đề gây tranh cãi. Chuyên gia Greene lưu ý: "Điện Kremlin sẽ không muốn thấy quân đội NATO dọc tuyến kiểm soát để giám sát lệnh ngừng bắn".

Trước đó ngày 26/12 năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov nói Nga sẵn sàng hợp tác với chính quyền sắp tới của ông Donald Trump để cải thiện quan hệ nếu Mỹ có ý định nghiêm túc thực hiện điều đó, nhưng Washington phải là bên hành động đầu tiên.

Ông Lavrov nói với các phóng viên tại Mokva:“Nếu các tín hiệu từ chính quyền Mỹ mới nhằm khôi phục cuộc đối thoại mà Washington đã gián đoạn lúc (Nga) bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt (ở Ukraine) là nghiêm túc, tất nhiên chúng tôi sẽ phản hồi lại. Nhưng người Mỹ đã phá vỡ (cuộc) đối thoại, vì vậy họ nên hành động trước”.

Đặc phái viên về Ukraine được ông Trump chỉ định, Trung tướng đã nghỉ hưu Keith Kellogg, nói với Fox News vào ngày 18/12 rằng cả hai bên đều đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình và ông Trump đang ở vị thế hoàn hảo để thực hiện một thỏa thuận chấm dứt giao tranh. 

Tháng trước, Reuters đưa tin rằng ông Putin sẵn sàng thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine với ông Trump nhưng loại trừ khả có bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ lớn nào và yêu cầu Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cũng trong ngày 26/12, trong một cuộc họp báo sau cuộc họp của Hội đồng Kinh tế Á-Âu Tối cao, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông sẵn sàng để Slovakia tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng sau lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Putin đã đề cập đến các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng trước thềm lễ nhậm chức vào tháng 1/2025 của ông Trump, người đã cam kết đưa Mỹ "thoát khỏi" cuộc chiến của Nga và nhanh chóng đàm phán một thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, tờ Financial Times đưa tin vào ngày 20/12 rằng ông Trump vẫn có ý định tiếp tục gửi vũ khí của Mỹ đến Ukraine khi ông trở thành tổng thống.

Theo Vũ Thanh/Báo Tin tức

 https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/kha-nang-nga-va-ukraine-dat-duoc-thoa-thuan-hoa-binh-trong-nam-2025-20250106230700274.htm