Cập nhật: 13/01/2025 07:33:00
Xem cỡ chữ

Việc đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo sẽ được thực hiện theo hai nhóm cơ bản là đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu và mức độ hài lòng của người dân.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết từ ngày 14/2/2025, các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có biển, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo theo quy định mới đồng thời công bố công khai kết quả trên trang thông tin điện tử của cơ quan mình; và gửi kết quả về Bộ này trước ngày 15/1 năm sau.

Cụ thể, theo Thông tư 52/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết bộ chỉ số và việc đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, việc đánh giá kết quả liên quan sẽ thực hiện theo hai nhóm gồm: Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; và đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường biển và hải đảo.

Thông tư trên có hiệu lực thi hành từ ngày 14/2/2025, thay thế Thông tư số 27/2016/TT-BTNMT quy định chi tiết bộ chỉ số và việc đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo hết hiệu lực thi hành.

Các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo gồm: Năng lực quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo; bảo vệ chất lượng môi trường biển, hải đảo; bảo vệ hệ sinh thái biển, hải đảo.

Trong đó, tiêu chí năng lực quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo gồm 6 chỉ số: Tỷ lệ siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn đã có quy định, cam kết, kế hoạch hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy sinh học; tỷ lệ số trạm quan trắc môi trường nước tự động, liên tục đã được đầu tư, đang vận hành tại các khu vực biển, hải đảo; tỷ lệ các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ven biển lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục.

Cùng với đó là tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường biển và hải đảo; tỷ lệ xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường biển và hải đảo thông qua đường dây nóng; tỷ lệ số lượng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Tiêu chí bảo vệ chất lượng môi trường biển, hải đảo có các chỉ số gồm: Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại cấp quận, huyện ven biển; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phát sinh nước thải từ 50 m3 /ngày (24 giờ) trở lên có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại cấp quận, huyện ven biển; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại cấp quận, huyện ven biển; tỷ lệ các cơ sở có Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp cơ sở được phê duyệt theo quy định của pháp luật; tỷ lệ các cảng biển, cảng cá có hệ thống tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt, dầu cặn từ phương tiện trên biển…

Về đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định các tiêu chí gồm: Chất lượng môi trường nước biển; chất lượng các hệ sinh thái ven biển; sự tham gia của người dân trong các hoạt động bảo vệ môi trường biển và hải đảo./.

Theo (Vietnam+)

 https://www.vietnamplus.vn/quy-dinh-moi-ve-danh-gia-kiem-soat-o-nhiem-moi-truong-bien-tu-ngay-142-post1006451.vnp