Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024, nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt tự tin triển khai mạnh mẽ Nghị quyết để có những đột phá mới thực hiện chủ trương này.
Sẵn sàng với thời cơ mới
Nghị quyết 57-NQ/TW được các doanh nghiệp công nghệ số đón nhận là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để Việt Nam phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Doanh nghiệp công nghệ số Việt tự tin vươn ra biển lớn.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, Nghị quyết 57 là Nghị quyết trụ cột cho kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Những ưu tiên mà FPT sẽ tích cực thực hiện Nghị quyết này bằng các cam kết: Khai thác hiệu quả dữ liệu của Chính phủ để phục vụ người dân và doanh nghiệp về các mảng: Y tế, giáo dục, lao động, thuế, ngân hàng và bảo mật.
Bên cạnh đó, đóng góp, chia sẻ dữ liệu cho Trung tâm dữ liệu quốc gia; đào tạo nguồn lực số với việc đẩy mạnh hoạt động giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ phục vụ chuyển đổi số ở các cấp: Phổ thông, đào tạo nghề, đại học, sau đại học; đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn...
Tập đoàn FPT cũng đồng hành cùng Chính phủ thúc đẩy ngoại giao công nghệ thu hút đầu tư bán dẫn vào Việt Nam, liên kết xuyên biên giới, đa quốc gia; đưa lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, dịch vụ chuyển đổi số của Việt Nam ra thế giới; xây dựng thương hiệu Công nghệ Việt Nam khi liên doanh với các doanh nghiệp lớn trong khu vực và thế giới để xây dựng các trung tâm dữ liệu (Data Center) quy mô lớn, trên 50MW tại Việt Nam.
Doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cho các bộ, ngành, địa phương. Xây dựng thành phố thông minh chuẩn quốc tế với việc triển khai 3 thành phố thông minh đạt các tiêu chuẩn quốc tế; nghiên cứu phát triển Công nghệ lõi khi đầu tư mạnh vào nghiên cứu, phát triển, mua bán và sáp nhập (M&A) quốc tế các công nghệ lõi nhằm làm chủ các công nghệ: AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (internet vạn vật), Big data (dữ liệu lớn), an ninh mạng, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, công nghệ lượng tử…
“Trong mấy chục năm qua, Việt Nam đã đi ra thế giới về phần mềm, chúng ta cần thế giới. Từ nay, vài thập kỷ tới, thế giới sẽ cần Việt Nam vì chúng ta có thể vươn lên số một ở lĩnh vực AI, bán dẫn - những công nghệ lõi, mọi quốc gia đề cần, đó là tương lai của Việt Nam”, ông Trương Gia Bình khẳng định.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính khẳng định: "Doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong việc hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số. Chúng tôi đặt mục tiêu biến Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo tại khu vực, tạo ra nền kinh tế số tự chủ và bền vững. Nghị quyết 57-NQ/TW, tạo bước ngoặt quan trọng trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Với các sản phẩm chiến lược như CMC Data Center và C.OPENAI, Tập đoàn CMC đồng hành cùng Chính phủ và các tổ chức thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của quốc gia trong kỷ nguyên số”.
Doanh nghiệp Make in Viet Nam chuyển dịch từ gia công sang sáng tạo
Trong 5 năm qua với chiến lược Make in Viet Nam, các doanh nghiệp công nghệ số Việt đang từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang đổi mới sáng tạo, thiết kế, làm chủ công nghệ lõi.
Trải nghiệm công nghệ nhận diện khuôn mặt tại một diễn đàn công nghệ số. Ảnh: TTXVN
Doanh nghiệp công nghệ số đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam. Tính đến hết năm 2024, cả nước hiện có 73.788 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, tăng 10,12% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số lao động trong lĩnh vực công nghiệp này đạt gần 1,26 triệu người.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), năm 2024, tổng doanh thu các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt xấp xỉ 158 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2023.
Cả nước hiện có khoảng 1.900 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài (tăng 58% so với năm 2018). Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong năm 2024 đạt 11,5 tỷ USD, tăng 54% so với năm 2023.
Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt khoảng 272.000 tỷ đồng. Trong năm 2024, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nộp hơn 43.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp công nghệ số, ngay từ năm 2019, Việt Nam đã khai sinh cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số với sứ mệnh Make in Viet Nam với chủ trương nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam. Định hướng này của Bộ TT&TT đã được cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số hưởng ứng mạnh mẽ.
Do vậy, chỉ trong vòng 5 năm, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Tỷ trọng giá trị Việt Nam trên doanh thu lĩnh vực công nghiệp thông tin và truyền thông (ICT) đã tăng gấp gần 1,5 kể từ khi chiến lược Make in Vietnam khởi xướng.
Để tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển, Bộ TT&TT sẽ xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số và các văn bản hướng dẫn Luật, nhằm biến công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào nền kinh tế.
Theo HL/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-cong-nghe-so-viet-doi-moi-sang-tao-theo-tinh-than-nghi-quyet-57-20250113224518393.htm