Cập nhật: 17/01/2025 08:31:00
Xem cỡ chữ

Loãng xương ở người cao tuổi là một bệnh lý thường gặp do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Mức độ nặng nhẹ của bệnh sẽ khác nhau ở mỗi người. Việc xây dựng chế độ ăn uống hợp lý sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình điều trị, cải thiện triệu chứng bệnh.

Chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ hỗ trợ tăng cường sức khỏe, góp phần vào quá trình điều trị và cải thiện triệu chứng của loãng xương. Việc bổ sung những dưỡng chất cần thiết cũng giúp ngăn ngừa loãng xương tiến triển nặng hơn. Vì vậy, loãng xương nên ăn gì ?

Những nhóm thực phẩm dưới đây người bệnh loãng xương nên ăn:

Nhóm thực phẩm giàu canxi

Canxi là một trong các thành phần cơ bản cấu tạo nên xương, giúp xương chắc khỏe. Khi cơ thể thiếu canxi sẽ rất dễ mắc phải các vấn đề xương giòn dễ gãy, dễ đau nhức, kém linh hoạt trong vận động. Vì vây, bổ sung đầy đủ lượng canxi cần thiết giúp hạn chế được tình trạng loãng xương và ngăn ngừa loãng xương nặng hơn ở người cao tuổi..

Có thể bổ sung canxi bằng nhiều cách: thông qua chế độ ăn hằng ngày, sữa hoặc thực phẩm chức năng. Ở người bị loãng xương, bổ sung canxi lại càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn.

Người cao tuổi bị loãng xương nên ăn gì?- Ảnh 1.

Loãng xương ở người cao tuổi là một bệnh lý thường gặp do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.

Nguồn thực phẩm giàu canxi có thể kể đến như: phô mai, sữa, sữa chua…

Các loại hạt là nhóm cung cấp nhiều canxi cho cơ thể. Các hạt chia, vừng, hạt điều, hạnh nhân, hạt dẻ, hạt lanh… đậu đen, đậu xanh, đậu nành, đậu hà lan, đậu trắng, đậu lăng... đều là những loại giàu canxi.

Nhóm thực phẩm giàu chất xơ

Chất xơ là nhóm thực phẩm nên có trong thực đơn hằng ngày ở mọi nhóm đối tượng, không chỉ riêng với bệnh nhân loãng xương. Thực phẩm giàu chất xơ góp phần phòng ngừa các vấn đề về tiêu hóa, tim mạch, đường huyết… Đặc biệt, ở bệnh nhân loãng xương, tăng cường chất xơ sẽ kiểm soát được cân nặng, tránh tăng cân, từ đó giảm được áp lực lên hệ thống xương khớp. Các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ như: Dâu tây, bơ, táo, mâm xôi, chuối, cà rốt... Rau có màu xanh, cà rốt, khoai lang, cà chua, bông cải xanh, bông cải trắng, hoa atiso…yến mạch, hạt chia, hạt dẻ, hạt hướng dương…

Nhóm thực phẩm giàu vitamin D

Vitamin D giúp tăng hấp thụ canxi và phốt pho cũng như kích thích chuyển hóa hai dưỡng chất trên, góp phần rất lớn đối với sự hình thành và phát triển của xương. Vitamin D có thể bổ sung bằng việc hấp thụ ánh nắng mặt trời vào buổi sáng đúng cách. Tuy nhiên, chỉ như vậy là chưa đủ, đặc biệt với nhóm đối tượng được chẩn đoán mắc bệnh loãng xương. Để tăng cường vitamin D cho người già có thể sử dụng các thực phẩm: Trứng gà nên bổ sung 1 lượng trứng vừa đủ trong thực đơn, không nên ăn quá 4 trứng/tuần. Nấm không chỉ thích hợp với bệnh nhân loãng xương mà còn rất tốt cho người lớn tuổi có các bệnh nền về tim mạch, đái tháo đường.

Cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích, cá mòi… đều là những thực phẩm chứa lượng vtamin D khá cao. Hoa quả luôn là nguồn Vitamin D dồi dào, không thể thiếu trong thực đơn hằng ngày. Một số loại quả giàu Vitamin D như: cam, quýt, đu đủ, bơ, đào, táo, chuối, kiwi, bưởi…

Nhóm thực phẩm giàu đạm

Người cao tuổi bị loãng xương nên ăn gì?- Ảnh 2.

Người cao tuổi cần vận động đều đặn, vừa sức và tăng cường các hoạt động ngoài trời.

Protein (chất đạm) đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành xương, chiếm khoảng 1/3 khối lượng xương. Tuy nhiên, việc bổ sung protein cần đảm bảo phù hợp, vừa đủ để hạn chế sự mất cân bằng canxi. Những thực phẩm giàu protein tốt cho cơ thể bao gồm: Mực, tôm, cá hồi, thịt nạc, gia cầm... các loại hạt cung cấp nguồn protein thực vật tốt cho sức khỏe của người loãng xương.

Tóm lại: Loãng xương là vấn đề thường gặp ở người cao tuổi, bên cạnh thực hiện chế độ dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ và phù hợp với nhu cầu cơ thể, đặc biệt là bổ sung đủ khoáng chất canxi và protein thì người cao tuổi cần vận động đều đặn, vừa sức và tăng cường các hoạt động ngoài trời không chỉ tốt cho tim mạch, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa… mà còn có tác dụng tích cực lên hệ xương khớp. Tập luyện đều đặn giúp chống thoái hóa, tăng cường hoạt động của các tế bào sinh xương, tăng cường hấp thu canxi.

Khi bị loãng xương cần thực hiện các bài tập phù hợp với thể trạng như đi bộ, tập dưỡng sinh, yoga… Người cao tuổi nên vận động từ 30 – 45 phút mỗi ngày. Nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc nặng để không gây thêm tổn thương cho hệ xương khớp. Hạn chế uống rượu bia, nước có ga, hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích khác vì chúng sẽ cản trở việc điều trị, làm cho tình trạng loãng xương càng thêm nghiêm trọng.

Theo suckhoedoisong.vn
 https://suckhoedoisong.vn/nguoi-cao-tuoi-bi-loang-xuong-nen-an-gi-169250111231610992.htm