Cận Tết, nhu cầu mua sắm tăng cao cũng là thời điểm các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn vào thị trường. Thực trạng này không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng mà còn làm gia tăng nỗi lo về vấn đề an toàn thực phẩm dịp Tết.
Thời điểm cận Tết luôn là mùa cao điểm của thị trường hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, hàng gia dụng. Đây là cơ hội để một số đối tượng lợi dụng kinh doanh các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nhái hoặc thực phẩm không rõ nguồn gốc. Những sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Liên tiếp trong thời gian gần đây, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, ngăn chặn nhiều hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái và thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Mới đây nhất, ngày 10/1, Đội Quản lý thị trường số 5 - Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2 và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường phát hiện và tạm giữ hơn 10.000 sản phẩm thực phẩm nhập lậu của hộ kinh doanh Nguyễn Đăng Hải tại tổ dân phố Lá Sen, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường. Các sản phẩm thực phẩm nhập lậu gồm rượu vang nho, rượu vang nổ (không có giấy phép kinh doanh theo quy định); xúc xích, thịt lợn cay (hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ). Các lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật. Vụ việc trên như một hồi chuông cảnh báo về việc một số hộ kinh doanh vì lợi nhuận trước mắt đã bất chấp sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng. Thực hiện kế hoạch cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các lễ hội đầu Xuân năm 2025, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết. Hoạt động kiểm tra tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu nhằm kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng cũng cần tuân thủ điều kiện an toàn thực phẩm; mua bán, sản xuất, sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm định chất lượng. Đặc biệt, người tiêu dùng cần thận trọng với các mặt hàng giá rẻ bất thường, không có nguồn gốc xuất xứ.
Tạ Hương