Khô miệng là một tình trạng phổ biến, biểu hiện bằng việc giảm lượng nước bọt trong miệng nhưng đôi khi bị bỏ qua, điều này có thể gây ra nhiều bất lợi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Nước bọt là hỗn hợp các chất tiết ra từ tuyến nước bọt chính (tức là tuyến mang tai, tuyến dưới hàm, dưới lưỡi) và tuyến nước bọt phụ đi vào trong miệng.
Trong nước bọt có một số lượng chất điện giải (ví dụ: Natri, kali, canxi, bicarbonat, photphat) và các thành phần hữu cơ (ví dụ: Globulin miễn dịch, protein, enzym...).
Ngoài việc giữ ẩm cho vùng miệng và giúp tiêu hóa thức ăn, nước bọt còn làm sạch khoang miệng, giúp bạn có thể nhai và nuốt thức ăn, duy trì độ pH trung tính và ngăn chặn quá trình khử khoáng - gây sâu răng, bảo vệ niêm mạc miệng khỏi tổn thương hóa học, vi sinh vật và vật lý.
Nếu không có đủ dòng nước bọt, sâu răng và một loạt các bệnh nhiễm trùng miệng có thể phát triển. Giảm lưu lượng nước bọt có thể cản trở việc nếm, nhai, nuốt và nói.
Nguyên nhân gây khô miệng
-
Do dùng thuốc: Rất nhiều loại thuốc có thể góp phần gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng khô miệng: Thuốc kháng histamine (đối với dị ứng hoặc hen suyễn), thuốc hạ huyết áp, thuốc thông mũi, thuốc giảm đau, thuốc lợi tiểu, thuốc giãn cơ, chống co thắt và thuốc chống trầm cảm. Bệnh nhân đang dùng nhiều loại thuốc cũng có thể có nguy cơ cao bị khô miệng do tác dụng phụ của liệu pháp.
-
Tuổi tác: Sự lão hóa khiến khô miệng có thể xuất hiện từ 30% người trên 65 tuổi và lên đến 40% ở người trên 80 tuổi. (Nguyên nhân chủ yếu cũng là do người cao tuổi dễ gặp các tác dụng phụ của thuốc, hay mắc các bệnh góp phần gây nên tình trạng giảm lượng nước bọt trong miệng: Tiểu đường, tăng huyết áp, Alzheimer, Parkinton...).
-
Lối sống: Sử dụng rượu hoặc thuốc lá, tiêu thụ quá nhiều caffeine hoặc thức ăn cay.
-
![Khô miệng cải thiện như thế nào?- Ảnh 2. Khô miệng cải thiện như thế nào?- Ảnh 2.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/324455921873985536/2025/2/5/6-6-17387144181191160731168.jpg)
-
Khô miệng là một tình trạng phổ biến, biểu hiện bằng việc giảm lượng nước bọt trong miệng.
Cải thiện tình trạng khô miệng
Khi để tình trạng khô miệng kéo dài, bạn có thể sẽ gặp những vấn đề như: Khó nhai, nuốt, nếm hoặc nói. Tăng nguy cơ sâu răng và các bệnh nướu răng. Cảm giác dính, khô hoặc bỏng rát trong miệng. Thay đổi vị giác hoặc không dung nạp thức ăn, đồ uống cay, mặn hoặc chua. Hôi miệng, nhiễm trùng trong miệng. Môi nứt nẻ, bong tróc hoặc teo, lưỡi khô, thô ráp, lở miệng. Khô hoặc đau họng, khàn tiếng. Đối với những người mất răng và phải đeo răng giả tháo lắp thì khô miệng sẽ làm giảm khả năng giữ lại răng giả hoặc các bộ phận giả tháo lắp khác trong miệng.
Các triệu chứng có thể tồi tệ hơn vào ban đêm vì lượng nước bọt đạt mức sinh học thấp nhất trong khi ngủ và vấn đề có thể trầm trọng hơn khi thở bằng miệng.
Những vấn đề cần chú ý để chăm sóc răng miệng và hạn chế các triệu chứng khó chịu của tình trạng khô miệng:
Chăm sóc răng miệng
-
Chải răng nhẹ nhàng ít nhất hai lần một ngày với kem đánh răng có chứa fluor.
-
Dùng chỉ nha khoa mỗi ngày.
-
Lên lịch thăm khám nha khoa và cạo vôi răng ít nhất hai lần một năm. Điều này sẽ giúp phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh sâu răng, nhiễm trùng do nấm hoặc vi khuẩn ở miệng.
-
Sử dụng liệu pháp Fluor theo chỉ định của nha sĩ (nếu cần).
-
Nếu đang mang hàm giả thì cần kiểm tra thường xuyên và điều chỉnh các bộ phận của hàm giả không vừa vặn. Nếu gặp khó khăn trong việc lưu giữ hàm giả do khô miệng, có thể sử dụng thêm chất kết dính răng giả (keo dán hàm).
Thay đổi lối sống
-
Bỏ thói quen thở miệng.
-
Thường xuyên nhấm nháp nước hoặc đồ uống không đường, không caffeine hoặc ngậm đá bào.
-
Sử dụng chất bôi trơn môi thường xuyên (ví dụ: 2 giờ một lần).
-
Nhai kẹo cao su không đường hoặc ngậm kẹo không đường.
-
Tránh thức ăn mặn hoặc cay hoặc thức ăn khô, khó nhai. Tránh thức ăn dính, nhiều đường. Uống chất lỏng trong khi ăn uống cẩn thận.
-
Tránh các chất kích thích như rượu (bao gồm cả nước súc miệng có chứa cồn), thuốc lá và caffein.
-
Sử dụng máy tạo độ ẩm vào ban đêm.
-
Thay thế thuốc có thể giúp giảm tác dụng khô miệng của một số loại thuốc (ví dụ: Thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc có xu hướng ít gây khô miệng hơn thuốc chống trầm cảm ba vòng) Các triệu chứng khô miệng do thuốc cũng có thể giảm nếu bệnh nhân dùng thuốc kháng cholinergic có thể uống vào ban ngày, thay vì ban đêm (tránh các triệu chứng về đêm) và chia làm nhiều lần, thay vì một liều duy nhất.
-
Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/kho-mieng-cai-thien-nhu-the-nao-169250205072844942.htm