Cập nhật: 08/02/2025 21:03:00
Xem cỡ chữ

Những năm qua, Hội cựu chiến binh xã Cao Phong, huyện Sông Lô luôn tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thực hiện phong trào thi đua CCB giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, thời gian qua, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã tích cực vận động hội viên tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thăm mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình CCB Đỗ Văn Cường, xã Cao Phong, huyện Sông Lô, một trong những hộ tiêu biểu đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế của hội viên CCB. 

Trước đây, gia đình ông chỉ làm nông nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ nên thu nhập không đáng kể. Từ khi tham gia tổ chức, được Hội CCB xã tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi, ông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng. Vừa làm vừa học hỏi, ông đã nắm vững về kỹ thuật nuôi và chăm sóc gà siêu trứng. 

Để gà đẻ đều và giữ được thể trạng, khâu chọn giống được ông đặc biệt quan tâm. Đồng thời, chăn nuôi theo khẩu phần và đúng giờ, tiêm phòng các loại dịch bệnh theo định kỳ, xung quanh chuồng và trong chuồng nuôi phải tiêu độc, khử trùng và thường xuyên thu gom, xử lý chất thải. Bình quân mỗi năm, ông nuôi từ 10.000 đến 11.000 con gà đẻ, mỗi ngày thu hơn 8.000 quả trứng. Toàn bộ trứng của gia đình ông được các đại lý và tiểu thương ở các chợ thu mua. Với giá bán dao động từ 2.000 đến 2.500 đồng/quả, mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lãi từ 150 đến 200 triệu đồng.

Không chỉ phát triển chăn nuôi, các hội viên CCB xã Cao Phong cũng tập trung vào nghề mây tre đan và chính từ nghề này đã trở thành nghề giúp người dân và hội viên CCB xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và làm giàu. Ban đầu, sản phẩm mây tre đan làm ra chỉ để phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, dần dần mở rộng thị trường tiêu thụ sang các xã lân cận. 

Do đây là một trong những mặt hàng thiết yếu đối với đời sống, cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa nên một số hội viên CCB đã quyết tâm mở rộng quy mô sản xuất và coi đây là một nghề chính để phát triển kinh tế. Đặc biệt, từ năm 2009, làng nghề mây tre đan được UBND tỉnh chính thức công nhận là làng nghề truyền thống đã giúp cho nghề thực sự tiến thêm một bước, giúp xã giải quyết việc làm cho số đông lao động tại địa phương. Hiện có tới 80% số hộ của làng nghề tham gia sản xuất tại nhà, thu hút nhiều lao động nhàn rỗi, từ người già cho tới các em nhỏ. Cuộc sống của người dân nói chung và hội viên CCB nói riêng dần được nâng lên.

Với những nỗ lực, quyết tâm làm giàu, các CCB thực sự là những tấm gương sáng về tinh thần vượt lên khó khăn, quyết tâm thoát nghèo, làm giàu chính đáng tại địa phương cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Lê Dũng