Cập nhật: 07/02/2025 09:57:00
Xem cỡ chữ

Khi đang cố gắng thụ thai, việc tránh một số điều nhất định rất quan trọng để tăng khả năng thụ thai thành công và giúp phụ nữ có một thai kỳ khỏe mạnh. Dưới đây là 9 điều cặp đôi cần tránh khi cố gắng mang thai.

1. Tránh uống nhiều rượu và hút thuốc lá khi cố gắng thụ thai

Cả phụ nữ và nam giới nên uống rượu có chừng mực hoặc hoàn toàn không nên uống rượu khi đang cố gắng thụ thai. Nghiên cứu cho thấy rằng uống nhiều hơn hai ly mỗi ngày có thể làm giảm khả năng sinh sản của phụ nữ.

Uống rượu cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới. Việc tiêu thụ quá nhiều rượu có thể làm giảm số lượng tinh trùng, giảm testosterone và có thể phá vỡ sự cân bằng hormone sinh sản. Các chuyên gia về sinh sản khuyên nên tiêu thụ ít hơn 4 đến 6 ly rượu vang mỗi tuần.

Hút thuốc lá có thể làm hỏng cả chất lượng và số lượng trứng. Điều này cũng đúng đối với sức khỏe tinh trùng ở nam giới. Các chất độc trong khói thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ sảy thai và dị tật bẩm sinh.

Một phân tích tổng hợp của 20 nghiên cứu với 5.865 nam giới cho thấy hút thuốc lá làm giảm số lượng và khả năng vận động của tinh trùng.

2. Dùng quá nhiều caffein có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

9 điều cần tránh khi đang cố gắng thụ thai- Ảnh 1.

Nếu đang cố gắng thụ thai không nên uống nhiều cà phê.

Mặc dù một tách cà phê buổi sáng có thể mang lại cảm giác hạnh phúc nhưng cần chú ý đến lượng caffeine khi đang cố gắng mang thai. Uống một tách cà phê hoặc trà mỗi ngày là hoàn toàn ổn khi cố gắng thụ thai (và trong khi mang thai). Tuy nhiên, tốt nhất nên tránh tiêu thụ hơn 200 mg caffeine mỗi ngày vì điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Theo Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ, khi mang thai, hầu hết các loại trà thảo dược đều an toàn khi uống với số lượng hợp lý. Tuy nhiên, vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

3. Thực phẩm "béo xấu" có thể làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng

Khi đang cố gắng thụ thai, việc lựa chọn thực phẩm, đặc biệt là chất béo, đóng vai trò rất quan trọng. Không phải tất cả các loại chất béo đều xấu nhưng việc tiêu thụ quá nhiều chất béo xấu có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ.

Chất béo xấu có thể gây rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng ở nữ giới. Ở nam giới, chất béo xấu có thể làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng. Chất béo xấu khiến cơ thể béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ gây vô sinh ở cả nam và nữ, gây ra các bệnh như tim mạch, đái tháo đường…

  • Chất béo xấu là thường có trong thịt đỏ, thịt gia cầm có da, các sản phẩm từ sữa nguyên kem, bơ…
  • Chất béo chuyển hóa thường có trong đồ ăn nhanh, bánh ngọt, đồ chiên rán…

Mặc dù thỉnh thoảng có thể ăn một số thực phẩm béo xấu nhưng nên ăn một cách điều độ. Vì vậy, khi cố gắng thụ thai nên ăn một chế độ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, chất béo lành mạnh và nhiều chất chống oxy hóa có thể giúp hỗ trợ cải thiện khả năng sinh sản.

4. Tập thể dục quá mức hoặc ít vận động

9 điều cần tránh khi đang cố gắng thụ thai- Ảnh 3.

Tập thể dục quá mức có thể làm giảm cơ hội mang thai thành công do làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt hoặc khiến quá trình rụng trứng không thường xuyên.

Duy trì hoạt động khi cố gắng thụ thai nhưng nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc tập luyện cường độ cao, mạnh mẽ với việc mất nhiều thời gian hơn để thụ thai. Tập luyện cường độ cao quá mức có thể làm gián đoạn các hormone cần thiết cho việc sản xuất trứng và rụng trứng ở phụ nữ. Việc tập thể dục đều đặn hàng ngày và rèn luyện sức mạnh là một ý tưởng tuyệt vời. Tuy nhiên, tập thể dục quá mức có thể làm giảm cơ hội mang thai thành công do làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt hoặc khiến quá trình rụng trứng không thường xuyên.

Lối sống ít vận động cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai và làm tăng nguy cơ biến chứng liên quan đến thai kỳ. Vì vậy, nên tập thể dục ít nhất 30 phút hầu hết các ngày trong tuần, phù hợp với khuyến nghị của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ là 150 phút mỗi tuần.

Với nam giới, một số nghiên cứu cho thấy hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm tăng nồng độ testosterone và cải thiện chất lượng tinh trùng. Tuy nhiên, tập thể dục quá mức có thể có tác động tiêu cực, vì vậy hãy cân bằng.

5. Bị căng thẳng tột độ

Yếu tố gây căng thẳng nhỏ trong cuộc sống là không thể tránh khỏi, quá nhiều căng thẳng có thể giải phóng các hormone như cortisol. Cortisol được biết là có tác động đến trục sinh sản và khả năng sinh sản. Cố gắng tránh những tình huống căng thẳng và quản lý cách phản ứng, có thể hữu ích đang cố gắng mang thai.

6. Thiếu ngủ ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ

9 điều cần tránh khi đang cố gắng thụ thai- Ảnh 4.

Thiếu ngủ là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ.

Điều này đi đôi với việc quản lý mức độ căng thẳng. Ngủ đủ giấc thường xuyên có thể đóng một vai trò quan trọng trong hành trình mang thai. Giấc ngủ cực kỳ quan trọng đối với tất cả các chức năng của cơ thể, bao gồm cả khả năng sinh sản. Nghiên cứu cho thấy mối liên hệ có thể có giữa rối loạn giấc ngủ và vô sinh.

Thiếu ngủ là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ. Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa hormone sinh sản. Thiếu ngủ làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và tiết ra các hormone sinh dục, gây ra rối loạn kinh nguyệt, giảm khả năng rụng trứng ở nữ giới và giảm số lượng và chất lượng tinh trùng ở nam giới.

Các vấn đề sức khỏe liên quan đến thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Thiếu ngủ làm tăng hormone ghrelin (hormone gây đói) và giảm hormone leptin (hormone báo no), dẫn đến tăng cảm giác thèm ăn và tăng cân. Béo phì là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở cả nam và nữ.

Thiếu ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, một trong những nguyên nhân gây ra các vấn đề về sinh sản. Thiếu ngủ làm tăng huyết áp, gây áp lực lên tim và các mạch máu, ảnh hưởng đến quá trình cung cấp máu cho các cơ quan sinh sản.

7. Một số hóa chất có thể gây rối loạn phát triển sinh sản

Theo nghiên cứu, các hóa chất gây rối loạn nội tiết có liên quan đến rối loạn phát triển sinh sản, rối loạn chức năng buồng trứng, vô sinh và hội chứng buồng trứng đa nang ở phụ nữ.

Bisphenol-A (BPA), một trong những EDC phổ biến nhất, có liên quan đến "u nang buồng trứng, polyp tử cung, viêm tuyến âm đạo và suy giảm khả năng làm tổ ở bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)". Thay thế các loại nhựa sử dụng quanh nhà, chẳng hạn như thay thế các hộp đựng thức ăn bằng nhựa không an toàn bằng thủy tinh hoặc thép không gỉ không chứa BPA.

Giảm tiếp xúc với chất độc môi trường và hóa chất có thể gây hại cho tinh trùng, chẳng hạn như thuốc trừ sâu, kim loại nặng và một số hóa chất ở nơi làm việc. Hãy nhớ mặc đồ bảo hộ và tuân theo các hướng dẫn an toàn khi làm việc trong môi trường có hóa chất có khả năng nguy hiểm.

8. Một số loại thuốc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc gây hại cho thai nhi

Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc gây hại cho thai nhi. Vì vậy, trước khi quyết định mang thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh liều lượng hoặc thay thế thuốc nếu cần thiết.

Cần ngưng sử dụng thuốc tránh thai trước khi có kế hoạch mang thai để cơ thể phục hồi chức năng sinh sản. Một số loại thuốc trị mụn có thể gây dị tật thai nhi. Hoặc một số loại thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.

Cần tham khảo ý kiến bác sĩ về những loại thuốc nên tránh khi cố gắng thụ thai. Những loại mà bác sĩ thường khuyên nên tránh là các thành phần chăm sóc da như retinol và accutane... Ngoài ra còn có những chất bổ sung cần tránh khi cố gắng thụ thai.

9. Chất bôi trơn gốc nước ảnh hưởng đến tinh trùng

Khi cố gắng mang thai cần tránh một số chất bôi trơn gốc nước khi quan hệ tình dục. Chất bôi trơn gốc nước có thể làm giảm khả năng di chuyển hoặc khả năng sống sót của tinh trùng.

Theo suckhoedoisong.vn

https://suckhoedoisong.vn/9-dieu-can-tranh-khi-dang-co-gang-thu-thai-169250204205906288.htm