Cập nhật: 11/02/2025 10:48:00
Xem cỡ chữ

Sáng 11/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại (NHTM) để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 20 NHTM và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại (Ảnh: TRẦN HẢI).

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thay mặt đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi và chúc mừng đến các đại biểu, các ngân hàng thương mại năm mới dồi dào sức khoẻ, thành công. Thủ tướng nêu rõ, năm 2024, là một năm rất khó khăn về tác động bởi tình hình kinh tế thế giới, thay đổi lãnh đạo, sự ra đi đột ngột của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; cơn bão Yagi tác động nặng nề kinh tế-xã hội… Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư, sự ủng hộ của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã hoàn thành 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có 12/15 chỉ tiêu vượt mức đề ra.

Thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: THANH GIANG).

Nhìn lại 4 năm qua, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Điều này đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định. Trong thành tựu chung này có sự đóng góp của ngành Ngân hàng, nhất là các NHTM. Thủ tướng nêu rõ, tiền tệ là mạch máu của nền kinh tế. Thủ tướng trân trọng, khâm phục nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, các NHTM trong những lúc khó khăn vẫn đoàn kết vượt qua khó khăn.

Thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát ảnh 2

Đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại tham dự Hội nghị (Ảnh: THANH GIANG).

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực này của các NHTM; nêu rõ, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá về đích, vừa qua Trung ương thống nhất chỉ đạo nâng mức tăng trưởng năm nay 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực những năm tiếp theo đạt tăng trưởng 2 con số, phục vụ 2 mục tiêu tăng trưởng 100 năm. Nếu tăng trưởng bình bình 6-7%/năm khó đạt mục tiêu này. Do vậy, chúng ta phải tăng tốc, bứt phá để đạt mục tiêu đề ra cho năm 2025. Tuy nhiên, mới qua 1 tháng đầu năm 2025, tình hình thay đổi rất nhanh, tác động các chính sách vĩ mô, chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá.

Thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát ảnh 3

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).

Thủ tướng nhấn mạnh, Hội nghị này tập trung đánh giá và dự báo tình hình năm nay có những điểm gì khác so năm 2024 và những năm qua; theo Thủ tướng là thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, từ đó có chuẩn bị các đối sách phù hợp; khó khăn, thách thức là tác động của chính trị, cạnh tranh giữa các nước lớn. Kinh tế thế giới hiện nay có xu hướng đứt gãy các chuỗi cung ứng, thị trường truyền thống lớn của Việt Nam đều đang rất khó khăn. Một trong 3 động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu đang gặp khó khăn; một động lực nữa là đầu tư thì phải làm mới lại, do đó các ngân hàng cần nghiên cứu có các gói tín dụng cho những người trẻ vay mua nhà, qua đó góp phần tái cấu trúc thị trường bất động sản, tăng động lực tiêu dùng trong nước.

Thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát ảnh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).

Thủ tướng mong các đại biểu phân tích sâu thêm các động lực tăng trưởng truyền thống. Theo đó, có chính sách tín dụng như thế nào liên quan động lực tăng trưởng mới là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, tập trung các ngành mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây…? Đi kèm với đó là phải có phản ứng chính sách, sự tham gia của các NHTM như thế nào ? Đề xuất hiến kế với Chính phủ điều hành như thế nào là tốt? Thủ tướng nêu rõ, thể chế hiện nay vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Ngân hàng hiểu rõ hơn ai hết những điểm nghẽn, nút thắt ở khâu nào, ai phải làm? Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), các bộ, ngành phải làm gì để cùng nhau phát triển ? Bên cạnh đó, thời cơ, thuận lợi cũng không ít. Thủ tướng lưu ý nước ta nằm ở vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng, do đó cần phải khai thác, sử dụng và phát huy những lợi này, cần sử dụng các công cụ ngân hàng để phát triển hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, chuyển thành xung lực, động lực cho phát triển đất nước. Theo Thủ tướng nguồn lực bắt nguồn tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp.

Thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát ảnh 5

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình phát biểu ý kiến tại Hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).

NHNN kịp thời chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng (TTTD) hiệu quả, tăng 15,08% so với cuối năm 2023 và đạt mục tiêu đề ra, bổ sung thêm cho nền kinh tế 2,2 triệu tỷ đồng (doanh số cho vay l23 triệu tỷ đồng). Tích cực tháo gỡ, xử lý khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân. Các chương trình, chính sách tín dụng được NHNN chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt; một số chương trình rất hiệu quả được mở rộng và nhiều lần được nâng quy mô. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng nhất là sau cơn bão số 3 đã được đẩy mạnh triển khai trên tinh thần đồng hành giữa ngành Ngân hàng và người dân, doanh nghiệp, nổi bật là chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đã giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát ảnh 6

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Hội nghị (Ảnh: THANH GIANG).

Việc tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục triển khai quyết liệt, tích cực xử lý các TCTD yếu kém, đặc biệt là NHNN đã hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát thấp hơn mục tiêu 3% đề ra. Các NHTM nâng cao năng lực quản trị điều hành, năng lực tài chính và kinh doanh có lãi.

Thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát ảnh 7

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu ý kiến tại Hội nghị (Ảnh; TRẦN HẢI).

Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng tiếp tục được rà soát, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo thuận lợi cho hoạt động của TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, với Luật TCTD được ban hành đầu năm 2024, trong một thời gian ngắn, NHNN đã khẩn trương ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều Nghị định, Thông tư, Quyết định quy định, hướng dẫn thi hành đồng bộ từ 01/7/2024, trong đó quy định về ứng dụng chuyển đổi số tạo điều kiện cho hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cải thiện so với cùng kỳ: đến ngày 31/12/2024, tín dụng nền kinh tế đạt 15.615.786 tỷ đồng, tăng 15,08% so với cuối năm 2023 (cuối năm 2023 tăng 13,78% so với cuối năm 2022). Trong đó, các NHTM có vai trò to lớn trong việc cấp tín dụng đối với nền kinh tế, chiếm khoảng 92,6% tỷ trọng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Trong giai đoạn đầu năm 2025, theo quy luật mùa vụ đầu năm và thời điểm Tết Nguyên đán, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chưa tăng nhanh nhưng đã có những dấu hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ. Đến ngày 3/2/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 15,65 triệu tỷ đồng, tăng 0,19% so với năm 2024, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (giảm 0,6%).

Tín dụng tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Một số lĩnh vực chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ nền kinh tế (nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 24%, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm gần 18%) hoặc có tốc độ tăng trưởng tích cực (lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng lần lượt 24,7% và 34,18% so với cuối năm 2023).

Tổng tài sản của nhóm NHTM đến cuối năm 2024 đạt 19.896,7 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 87% thị phần toàn hệ thống TCTD), tăng 14,9% so với cuối năm 2023, trong đó: Nhóm NHTM Nhà nước đạt 9.422,07 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,35% tổng tài sản cả nhóm; Nhóm 3 NHTM chuyển giao bắt buộc đạt 79,72 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng tài sản cả nhóm; Nhóm NHTM cổ phần đạt 10.394,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 52,24% tổng tài sản của cả nhóm NHTM.

Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/thuc-day-tang-truong-kiem-soat-lam-phat-post859438.html