Sáng nay 11/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này, mức thuế là 25% không có ngoại lệ hay miễn trừ.
Nhiều ý kiến lo ngại về việc ngành thép và nhôm Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, tác động là không đáng kể.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2024, cả nước xuất khẩu khoảng 12,62 triệu tấn thép, tăng 13,47% so với năm 2023 và giá trị xuất khẩu đạt 9,08 tỷ USD, tăng 8,78%. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, chiếm 13% thị phần, đứng sau ASEAN (26%) và EU (23%).
Do vậy, ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp sản xuất trong nước là không đáng kể. Đơn cử như Tập đoàn Hòa Phát, VSA cho hay, tỷ trọng xuất khẩu chỉ chiếm 30% tổng doanh thu; trong đó thị trường Mỹ đóng góp 5-10%, tương đương mức 2-3% doanh thu. Vì vậy đại diện VSA nhận định, dù với mức áp thuế cao, song tính trên tỷ trọng nhỏ, tác động sẽ là không lớn, có chăng tác động sẽ nhìn thấy rõ với một số doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ sang Mỹ.
Theo chuyên gia ngành thép Nguyễn Văn Sưa, tác động tới những doanh nghiệp sản xuất như Hòa Phát là nhỏ, nhưng với các đơn vị khác như Hoa Sen, Nam Kim lại ở mức trung bình. Bởi đây là 2 đơn vị tiêu thụ lượng lớn thép cuộn cán nóng của Hòa Phát để sản xuất tôn, xuất khẩu sang Mỹ.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc Mỹ áp thuế tăng thêm 25% cho tất cả sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào nước này sẽ tác động đến ngành thép thế giới và cả Việt Nam. Đây là mức thuế khá cao do Mỹ muốn bảo hộ ngành thép nội địa, buộc các nước xuất khẩu lớn phải ngồi lại đàm phán. Điều gây tác động đầu tiên là sẽ làm tăng giá bán của sản phẩm này tại thị trường Mỹ, từ đó làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng sở tại. Điều này quay lại bài toán sản phẩm nhập khẩu có cạnh tranh được với hàng của các công ty Mỹ hay không. Nếu vẫn cạnh tranh được thì thép từ các nước vẫn có thể bán được tại Mỹ.
Ở một góc độ khác, việc áp thuế gia tăng này không có sự phân biệt giữa các quốc gia xuất khẩu thép vào Mỹ, đồng nghĩa rằng sự cạnh tranh nói chung chưa trở nên gay gắt hơn hiện tại. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn phương án tiết giảm chi phí hơn để gia tăng sức cạnh tranh, nhất là về giá bán. Bởi tùy vào mỗi đơn vị mà giá bán sẽ được điều chỉnh khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau chứ không hẳn sẽ tăng đúng bằng thuế nhập khẩu vào Mỹ.
Việc áp thuế, phòng vệ thương mại gia tăng trong bối cảnh hiện nay đã được tính trước và nhiều doanh nghiệp đã có phương án chuẩn bị ứng phó. Ở thời điểm nhiều năm trước, khi các sản phẩm thép liên tục bị kiện phòng vệ thương mại, câu chuyện đa dạng hóa thị trường được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đề cập.
Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết, hiện nay, tập đoàn này không chỉ đa dạng hóa các sản phẩm, đạt tới các sản phẩm thép chất lượng cao, mà còn hướng tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ với con số 30 ở khắp các châu lục như Nhật Bản, Canada, Australia, Bỉ, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... Vì thế, việc áp thuế của Mỹ lên các sản phẩm thép và nhôm là có tác động nhưng không đáng kể với tập đoàn.
Ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng, để đối diện trước việc áp thuế, bản thân các doanh nghiệp đã đánh giá tình hình nhằm có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Hàng xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế giá cạnh tranh, chất lượng tốt, nên việc áp thuế của Mỹ với tất cả các sản phẩm thép, có thể sẽ là cơ hội cho thép Việt chứ không hẳn là khó khăn.
Cũng theo nhận định từ đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam, hiện một số mặt hàng thép của Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ nhờ lợi thế thuế suất thấp hơn. Các doanh nghiệp sản xuất thép có chứng nhận xuất xứ rõ ràng sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị phần tại Mỹ.
Tuy vậy, bản thân doanh nghiệp Việt Nam phải tự thân vận động nhằm tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, giảm thiểu chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với nguồn cung từ Trung Quốc; Tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ để tránh rủi ro bị Mỹ điều tra. Việc theo dõi sát sao chính sách thương mại của Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam kịp thời điều chỉnh chiến lược để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro.
Hiện nay, Tổng công ty Thép đang nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và hạ giá thành sản phẩm bằng cách giảm chi phí sản xuất, linh hoạt và tối ưu sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào từ các nguồn phế và phôi. Cùng đó, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sản xuất thép xanh (green steel) để giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Việc áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty sẽ tích cực tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu thép thành phẩm và phôi thép mới để giảm phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống...
Theo Đức Dũng (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/da-dang-hoa-thi-truong-truoc-viec-my-ap-thue-len-san-pham-thep-va-nhom-20250211133848094.htm