Cập nhật: 22/02/2025 16:38:00
Xem cỡ chữ

Theo Goldman Sachs, kế hoạch áp thuế 10% đối với dầu nhập khẩu của Mỹ có thể khiến các nhà sản xuất nước ngoài thiệt hại 10 tỷ USD/năm.

Các container hàng hóa tại cảng Long Beach, bang California (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN)

Các container hàng hóa tại cảng Long Beach, bang California (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ngày 21/2 cho biết kế hoạch áp thuế 10% đối với dầu nhập khẩu của Mỹ có thể khiến các nhà sản xuất nước ngoài thiệt hại 10 tỷ USD mỗi năm.

Nguyên nhân là do dầu nặng từ Canada và khu vực Mỹ Latinh vẫn phụ thuộc vào các nhà máy lọc dầu Mỹ giữa bối cảnh thiếu người mua thay thế và hạn chế về công suất chế biến.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến áp thuế 25% đối với dầu thô Mexico và 10% đối với dầu Canada từ tháng 3/2025, chậm hơn so với đề xuất ban đầu.

Tuy nhiên, Goldman Sachs dự báo Mỹ vẫn sẽ là điểm đến chính của dầu nặng, do công nghệ lọc dầu tiên tiến và chi phí thấp giúp các nhà máy lọc dầu Mỹ duy trì lợi thế cạnh tranh.

Ngân hàng này ước tính giá dầu thô ngọt nhẹ cần tăng thêm 50 xu/thùng mới có thể khiến dầu trung bình từ Trung Đông hấp dẫn hơn đối với các nhà máy lọc dầu châu Á.

Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu ở vùng duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ vẫn ưu tiên dầu thô nhẹ trong nước hơn là các loại dầu nhập khẩu.

Goldman Sachs cũng tính toán rằng người tiêu dùng Mỹ có thể phải chịu chi phí thuế hàng năm lên tới 22 tỷ USD, trong khi Chính phủ Mỹ thu về khoảng 20 tỷ USD.

Goldman lưu ý Canada - quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất sang Mỹ - có thể vẫn duy trì mức xuất khẩu 3,8 triệu thùng/ngày, khi giá dầu sẽ phải giảm để bù đắp tác động từ thuế.

Tương tự, khoảng 1,2 triệu thùng dầu nặng nhập khẩu qua đường biển từ Canada, Mexico và Venezuela cũng sẽ phải giảm giá để tiếp tục "chảy vào" thị trường Mỹ.

Mặc dù thuế quan có thể làm thay đổi dòng chảy thương mại, Goldman Sachs nhấn mạnh rằng các nhà sản xuất dầu mỏ Canada - vốn có ít lựa chọn khách hàng - sẽ buộc phải chịu phần lớn gánh nặng thuế quan thông qua việc giảm giá để duy trì khả năng cạnh tranh tại thị trường Mỹ.

Ngành công nghiệp dầu mỏ phân chia "dầu thô" theo khu vực mà nó xuất phát (ví dụ "West Texas Intermediate-WTI" hay "Brent"), thông thường theo tỷ trọng và độ nhớt tương đối của nó ("nhẹ," "trung bình" hay "nặng").

Dầu thô cũng được phân loại là “ngọt” hay “chua” tùy thuộc vào mức độ của lưu huỳnh. Dầu thô ngọt chứa 0,5% lưu huỳnh hoặc ít hơn, và dầu thô chua chứa khoảng 1% lưu huỳnh. Nói chung, dầu thô càng nặng, hàm lượng lưu huỳnh của nó càng lớn./.

Theo (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/thue-moi-cua-my-co-the-khien-cac-cong-ty-nuoc-ngoai-thiet-hai-10-ty-usd-moi-nam-post1013761.vnp