Cập nhật: 03/04/2025 16:13:00
Xem cỡ chữ

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố danh sách thuế quan “có đi có lại” quy mô lớn, áp đặt mức thuế cơ bản 10% đối với kraine, nhưng Liên bang Nga và Belarus bất ngờ không có trong danh sách áp thuế mới của Washington.

Chú thích ảnh

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp mức thuế đối ứng mới tại Nhà Trắng, ngày 2/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố danh sách thuế quan “có đi có lại” quy mô lớn, bao gồm thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu nước ngoài và các loại thuế lớn hơn được gọi là thuế đối ứng. 

Biểu đồ được ông Trump giơ cao khi phát biểu tại Nhà Trắng, cho thấy Mỹ sẽ áp thuế 34% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, 20% đối với Liên minh châu Âu (EU), 25% đối với Hàn Quốc, 24% đối với Nhật Bản, 32% đối với Đài Loan (Trung Quốc) và 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Cũng tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan bị áp thuế 36%, tiếp theo là Indonesia 32%, Malaysia 24%, Philippines 17%, Singapore 10%.

Nhóm các nước khác chịu mức thuế 10% gồm có Vương quốc Anh, Australia, Colombia, Chile, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.

"Việc làm và các nhà máy sẽ ồ ạt quay trở lại đất nước chúng ta, và các bạn thấy điều đó đang xảy ra rồi", ông Trump tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh: "Nếu các bạn muốn mức thuế suất của mình bằng 0, thì hãy xây dựng sản phẩm của mình ngay tại nước Mỹ".

Tuy nhiên, theo bảng danh sách của Nhà Trắng, Liên bang Nga và Belarus không nằm trong đó.

Trao đổi với Axios, người phát ngôn Nhà Trắng, Karoline Leavitt cho biết Liên bang Nga và Belarus bị loại khỏi danh sách do các lệnh trừng phạt kinh tế đã được áp dụng.

Các quốc gia bị trừng phạt nghiêm trọng khác, bao gồm Cuba và Triều Tiên, cũng không có trong danh sách này.

Canada và Mexico cũng nằm trong số các quốc gia được miễn trừ do đã bị áp thuế 25% trước đó.

Mỹ và các quốc gia khác đã áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh mẽ đối với Moskva (Moscow) sau khi Liên bang Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022.

Dòng chảy thương mại giữa Mỹ và Liên bang Nga đã giảm từ 36 tỷ USD năm 2021 xuống còn khoảng 3,5 tỷ USD vào năm 2024.

Trước đây, ông Trump từng gợi ý về khả năng nới lỏng một số lệnh trừng phạt đối với Liên bang Nga như một phần trong nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn và hòa bình tại Ukraine.

Đồng thời, tổng thống Mỹ cũng đe dọa áp đặt thuế trừng phạt thứ cấp đối với xuất khẩu dầu của Liên bang Nga khi ông ngày càng thất vọng với các cuộc đàm phán đang bế tắc.

Theo báo The Kyiv Independent của Ukraine ngày 3/4, các mức thuế mới được truyền thông mô tả là một “cuộc chiến thương mại toàn cầu mang tính lịch sử”, trong khi chính quyền Trump lại coi đây là một bước đi nhằm khôi phục chủ quyền và an ninh kinh tế.

Danh sách này cũng có một số cái tên bất ngờ, chẳng hạn như Quần đảo Heard và McDonald, một vùng lãnh thổ hải ngoại không có người ở của Australia nằm cách Nam Cực khoảng 1.500 km (900 dặm) về phía Bắc.

Sau khi chính quyền Trump công bố kế hoạch thuế mới bắt đầu áp dụng từ ngày 9/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã nói trên chương trình Special Report của Fox News rằng: “Lời khuyên của tôi dành cho tất cả các quốc gia lúc này là đừng trả đũa. Hãy ngồi lại, quan sát, xem mọi chuyện diễn ra như thế nào”

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cảnh báo: “Nếu các bạn không trả đũa, đây sẽ là giới hạn cao nhất của mức thuế”.

Dẫu vậy, EU và Trung Quốc đã cam kết sẽ có biện pháp đáp trả các mức thuế của chính quyền Trump.

Lãnh đạo nhiều nước châu Âu bày tỏ lo ngại. 

Trên mạng xã hội X, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đánh giá: "Doanh nghiệp tự do và cạnh tranh đã đặt nền tảng cho thành công của phương Tây. Đây là lý do vì sao người Mỹ có thể nghe nhạc trên Spotify của Thụy Điển và chúng tôi, những người Thụy Điển, có thể nghe cùng một bản nhạc trên iPhone của Mỹ... Tôi vô cùng tiếc nuối về cách thức mà Mỹ đã lựa chọn khi tìm cách hạn chế thương mại thông qua việc áp thuế quan cao hơn”.

Cũng trên trang mạng X, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đăng dòng trạng thái: "Tình bạn đồng nghĩa với quan hệ đối tác. Quan hệ đối tác bao gồm thuế quan ương ứng. Cần có những quyết định phù hợp”.

Từ Đan Mạch, Ngoại trưởng Lars Lokke Rasmussen bình luận: "Tôi thấy bối rối... Không có ai thắng, mà tất cả đều thua. Thay vì xây tường, chúng ta nên phá bỏ rào cản. Châu Âu cần đoàn kết. Châu Âu sẽ đưa ra những phản ứng mạnh mẽ và tương xứng”.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của đài NRK, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Na Uy Cecilie Myrseth nói: “Chúng tôi đang tính toán và phân tích tình hình. Nhưng rõ ràng là tình hình hiện nay rất nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu và có ý nghĩa sống còn đối với Na Uy”.

Từ London, Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng nhấn mạnh: "Chiến tranh thương mại không có lợi cho bất kỳ ai". Theo phóng viên TTXVN tại Anh, Thủ tướng Starmer cam kết sẽ có cách tiếp cận thận trọng với chính sách thuế của Chính quyền Tổng thống Trump và tránh để bị cuốn vào cuộc chiến thương mại với Mỹ. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Anh cũng nói rõ London đã chuẩn bị cho mọi tình huống và không loại trừ "bất cứ điều gì". 

Theo Thành Nam/Báo Tin tức

 https://baotintuc.vn/the-gioi/ly-do-lien-bang-nga-va-belarus-bat-ngo-khong-co-trong-danh-sach-ap-thue-moi-cua-my-20250403150949863.htm