Là một tỉnh miền núi phía Tây Bắc Việt Nam, Hòa Bình từ lâu đã nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số như: Mường, Thái, Mông, Dao… cùng với nguồn tài nguyên từ hồ thủy điện Hòa Bình. Từ đó, du lịch cộng đồng đã trở thành một hướng đi chiến lược, tạo nguồn thu kinh tế bền vững cho người dân và địa phương.

Với cảnh sắc còn hoang sơ, gần gũi thiên nhiên, thác Trăng là một điểm du lịch ấn tượng tại Hòa Bình.
Tiềm năng vượt trội về du lịch cộng đồng
Tỉnh Hòa Bình sở hữu những điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch cộng đồng khi nơi đây là quê hương của nền “Văn hóa Hòa Bình” - một di sản khảo cổ nổi tiếng, cùng với sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” của dân tộc Mường. Cùng với đó là các lễ hội truyền thống nổi tiếng như Lễ hội Chùa Tiên (Lạc Thủy), Lễ hội Khai hạ (Tân Lạc), Lễ hội Gầu Tào (Mai Châu). Các loại hình văn hóa khác như dệt thổ cẩm truyền thống, múa sạp và ẩm thực, đặc biệt là cơm lam, cá nướng sông Đà… Đây có thể coi là những “tài sản” văn hóa quý giá để thu hút du khách khám phá, trải nghiệm.
Bên cạnh đó, cảnh quan thiên nhiên tỉnh Hòa Bình mang vẻ đẹp hoang sơ và thanh bình với hồ Hòa Bình, các khu bảo tồn thiên nhiên như Ngọc Sơn - Ngổ Luông (Tân Lạc - Lạc Sơn), Pù Canh (Đà Bắc), suối nước nóng Kim Bôi. Những địa điểm này rất phù hợp cho du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với các hoạt động cộng đồng như chèo thuyền, leo núi, hoặc tham gia sinh hoạt cùng người dân bản địa.
Tại huyện Đà Bắc, điểm du lịch cộng đồng Đá Bia đã vinh dự nhận Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN. Các bản Đá Bia, Mó Hém là điểm đến được yêu thích, giúp người dân địa phương thoát nghèo thông qua việc kinh doanh homestay, hướng dẫn tour và bán sản phẩm thủ công…
Theo bà Quách Thúy Kiều, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, loại hình du lịch cộng đồng còn được hỗ trợ bởi vị trí địa lý thuận lợi, cách Hà Nội chỉ khoảng 70 - 80 km, dễ dàng kết nối với thị trường du khách lớn từ Thủ đô và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, các điểm đến như: Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc đã ghi dấu ấn với mô hình homestay, nơi du khách có thể nghỉ ngơi trong những ngôi nhà sàn truyền thống, thưởng thức ẩm thực địa phương, tham gia các hoạt động như trồng lúa, dệt vải.
Hiện nay, tại một số địa phương của tỉnh Hòa Bình, ngoài các homestay cung cấp dịch vụ nhà nghỉ cộng đồng tập trung, một số hộ ở các xóm đang triển khai xây dựng mô hình lưu trú nhà dân giúp tăng thêm trải nghiệm của du khách về bản sắc văn hóa dân tộc.
Là hộ tiên phong thực hiện mô hình du lịch lưu trú nhà dân, anh Hàng A Dê (xã Pà Cò, Mai Châu) mong muốn giới thiệu, quảng bá tới những du khách yêu thích văn hóa Mông được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, phong tục tập quán bình dị, gần gũi của cộng đồng người Mông trong mỗi gia đình.
Chị Tô Ly (du khách Hà Nội) chia sẻ, đến với Mai Châu, du khách được khám phá về các giá trị văn hóa, tập quán sinh hoạt, sản xuất của người Mông tại hai xã Hang Kia, Pà Cò. Với mô hình lưu trú tại nhà dân, được trải nghiệm cuộc sống đời thường, thông qua các hoạt động cùng gia đình, các cuộc chuyện trò, tương tác thú vị với người dân nơi đây.
Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, từ đầu năm đến nay, tại Mai Châu, Lễ hội Gầu Tào đã thu hút trên 6.000 lượt du khách và nhân dân đến tham quan, trải nghiệm. Các điểm du lịch cộng đồng Hang Kia, Pà Cò đã đón trên 3.000 du khách lưu trú. Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tổ chức tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc thu hút 95.000 lượt người dân và du khách tham gia…
Trong dịp Tết Nguyên đán, các khu, điểm du lịch của tỉnh Hòa Bình đón 250.000 du khách, tăng 25% so với cùng kỳ, tổng thu từ hoạt động kinh doanh du lịch đạt 132 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ.

Ruộng bậc thang xã Miền Đồi (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình).
Biến lợi thế để phát triển du lịch bền vững
Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế và những kết quả ấn tượng đã đạt được, du lịch cộng đồng ở Hòa Bình vẫn cần khắc phục những khó khăn để phát triển mạnh mẽ hơn.
Cơ sở hạ tầng giao thông toàn tỉnh chưa đồng bộ, đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa như Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu… Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, sự gia tăng số lượng du khách có thể gây áp lực lên tài nguyên thiên nhiên và làm mai một bản sắc văn hóa nếu không được quản lý tốt. Công tác quảng bá và xúc tiến du lịch tỉnh Hòa Bình chưa thực sự hiệu quả, phạm vi tiếp cận còn hạn chế, nhất là với thị trường quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Bùi Đức Hinh cho biết, sự cạnh tranh với các điểm đến nổi tiếng khác như: Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai), Ninh Bình... cũng đang là thách thức để ngành du lịch tỉnh Hòa Bình cần phải tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm phát triển mạnh mẽ và bền vững. UBND tỉnh Hòa Bình đã có nhiều giải pháp ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường kết nối đến các bản làng du lịch như: Đá Bia, Bản Sưng, xóm Ké (Đà Bắc), Ngòi Hoa, Vân Sơn (Tân Lạc).
Ngành du lịch tỉnh Hòa Bình cần xây dựng thêm các cơ sở lưu trú đạt chuẩn và trang bị thiết bị hiện đại để nâng cao trải nghiệm cho du khách. Song song với công tác đào tạo nhân lực, tập huấn về kỹ năng phục vụ, ngoại ngữ, và quản lý du lịch cho người dân địa phương…
Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, tận dụng nền tảng số như mạng xã hội, các website du lịch, hợp tác với các công ty lữ hành quốc tế để đưa hình ảnh Hòa Bình ra thế giới. Phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, như tour trải nghiệm làm thổ cẩm, tham gia lễ hội Mường, hay khám phá ẩm thực bản địa, để tạo dấu ấn riêng.
Đặc biệt, việc bảo tồn văn hóa và môi trường phải đi đôi với phát triển du lịch. Các chính sách khuyến khích người dân giữ gìn phong tục tập quán, đồng thời kiểm soát lượng khách và xử lý rác thải hiệu quả, sẽ giúp Hòa Bình duy trì được vẻ đẹp nguyên sơ và bản sắc độc đáo.
Du lịch cộng đồng ở Hòa Bình không chỉ là “thỏi nam châm” thu hút du khách mà còn là “chìa khóa” để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, và bảo tồn văn hóa. Với tiềm năng sẵn có và những nỗ lực hiện tại, Hòa Bình hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp, và người dân nhằm vượt qua thách thức và khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế sẵn có.
UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã ban hành Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030” đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng cơ sở vật chất cho 290 hộ du lịch cộng đồng, đón hơn 1,65 triệu lượt khách, và đóng góp 19,5% tổng thu từ du lịch.
Theo Bài và ảnh: Lưu Trọng Đạt (TTXVN)
https://baotintuc.vn/du-lich/du-lich-cong-dong-huong-di-chien-luoc-tao-nguon-thu-ben-vung-20250409150749765.htm