Dù nắm giữ trong tay quân bài quan trọng, nhưng châu Âu vẫn bị gạt khỏi cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ với Iran và chỉ được thông báo vài ngày sau đó.
Theo các nhà phân tích và giới ngoại giao, việc Mỹ không phối hợp với các quốc gia châu Âu trong cuộc đàm phán với Iran ngày 12/4 tới có thể làm giảm sức ép ngoại giao của Washington và điều này có thể khiến khả năng hành động quân sự của Mỹ và Israel đối với Tehran tăng cao.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian thăm quan triển lãm thành tựu hạt nhân ở Tehran, ngày 9/4/2025. Ảnh: WANA/Reuters
Một số nhà ngoại giao cho biết, Mỹ đã không thông báo cho các nước châu Âu về các cuộc đàm phán hạt nhân dự kiến diễn ra tại Oman trước khi Tổng thống Donald Trump công bố thông tin vào ngày 8/4, dù các quốc gia châu Âu đang nắm giữ “quân bài quan trọng” liên quan đến khả năng tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Iran.
“Mỹ cần một chiến lược ngoại giao phối hợp với các đồng minh châu Âu khi bước vào các cuộc đàm phán với Iran”, ông Blaise Misztal, Phó Chủ tịch Viện Chính sách thuộc Viện An ninh Quốc gia Do Thái (JINSA), nhận định.
Ông nhấn mạnh rằng sự phối hợp đó “là yếu tố then chốt để đảm bảo sức ép tối đa và để bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào cũng có cơ hội thành công”.
Trong phát biểu ngày 8/4, Tổng thống Trump một lần nữa đe dọa sử dụng vũ lực nếu Iran không chấm dứt chương trình hạt nhân, đồng thời tuyên bố Israel sẽ “đóng vai trò dẫn đầu” trong một hành động quân sự như vậy.
Phương Tây nghi ngờ Iran đang theo đuổi mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân, dù Tehran bác bỏ. Lời đe dọa tái áp đặt trừng phạt là nhằm gây sức ép buộc Iran phải nhượng bộ, song theo các nhà ngoại giao, đến nay vẫn chưa có cuộc thảo luận chiến lược cụ thể nào giữa châu Âu và Mỹ về vấn đề này.
Do Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran, Washington không còn quyền kích hoạt cơ chế tái áp đặt trừng phạt, được gọi là “snapback”, tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Điều này khiến Anh, Pháp và Đức, còn gọi là nhóm E3, trở thành bên duy nhất trong thỏa thuận còn có thể thực hiện cơ chế này. Vì vậy, giới phân tích nhận định việc Washington phối hợp với các đồng minh châu Âu là điều rất quan trọng.
“EU không tin tưởng Mỹ vì họ đang hành động đơn phương mà không tham vấn chúng tôi”, một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu chia sẻ.
Israel – đối thủ lâu năm của Iran – đã tích cực vận động nhóm E3 kích hoạt cơ chế “snapback”. Theo các nhà ngoại giao châu Âu, E3 đã thông báo với Iran rằng từ nay cho đến cuối tháng 6, họ có thể sẽ kích hoạt cơ chế này. Tehran cảnh báo điều đó sẽ dẫn đến “hậu quả nghiêm trọng” và có thể buộc Iran phải xem xét lại học thuyết hạt nhân.
Theo thỏa thuận hạt nhân giữa P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực HĐBA là Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh và Mỹ cộng với Đức) với Iran năm 2015, các bên có thể khởi động quy trình snapback trong vòng 30 ngày nếu không giải quyết được các cáo buộc vi phạm của Iran thông qua cơ chế giải quyết bất đồng. Tuy nhiên, cơ hội này sẽ kết thúc vào ngày 18/10/2025 khi thỏa thuận hết hiệu lực.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho hay, kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 đến nay, Iran đã vượt xa giới hạn làm giàu urani theo quy định. Tehran hiện đang sản xuất urani gần đạt mức độ có thể chế tạo vũ khí, vượt xa mức cần thiết cho mục đích dân sự.
Mỹ hành động đơn phương
Cách tiếp cận của chính quyền Mỹ hiện tại được cho là giống với chính sách trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, khi ông ưu tiên đàm phán đơn phương với Iran. Tương tự, trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, Washington cũng đối thoại trực tiếp với Moscow mà không tham vấn với châu Âu.
Đã có một số cuộc họp giữa các quan chức châu Âu và Mỹ, song theo nhận định từ phía châu Âu, các cuộc thảo luận này chưa đủ sâu sắc. Theo các quan chức E3, ngay cả một cuộc gặp bên lề hội nghị ngoại trưởng NATO giữa Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và các quan chức E3 một tuần trước khi ông Trump công bố đàm phán Oman cũng rất khó sắp xếp.
Khi được hỏi liệu họ có được thông báo trước về cuộc đàm phán ở Oman hay không, bộ ngoại giao Anh, Pháp và Đức đều không trả lời trực tiếp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cho biết: “Chúng tôi cam kết thực hiện mọi biện pháp ngoại giao để ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, bao gồm cả việc kích hoạt snapback nếu cần thiết”.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot phát biểu ngắn gọn rằng Pháp “ghi nhận với sự quan tâm” về các cuộc đàm phán.
Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ chưa bình luận về cơ chế “snapback” hay vấn đề phối hợp với các nước châu Âu.
Đàm phán trực tiếp châu Âu – Iran
Từ năm 2003, Anh, Pháp và Đức đã đàm phán với Iran với tư cách một nhóm ba bên về vấn đề hạt nhân. Họ coi vai trò của mình là then chốt trong việc tìm ra giải pháp. Trong thỏa thuận năm 2015, một yếu tố quan trọng giúp thuyết phục Iran chính là khả năng được giao thương với châu Âu.
Gần đây, châu Âu cũng hỗ trợ Mỹ trong việc gây áp lực lên Iran, bao gồm việc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo, việc bắt giữ công dân nước ngoài và hỗ trợ Nga trong cuộc chiến tại Ukraine.
Trong giai đoạn Mỹ chưa có chính sách rõ ràng sau cuộc bầu cử tổng thống và trước khi ông Trump nhậm chức, châu Âu đã chủ động tổ chức các cuộc đàm phán thăm dò với Iran bắt đầu từ tháng 9/2024 và kéo dài cho đến nay.
E3 cho rằng các cuộc đàm phán nói trên là cần thiết vì thời gian để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân đang cạn dần trước thời hạn 18/10. Họ đang nỗ lực để đạt được một thỏa thuận mới, dù hạn chế hơn, trước khi thỏa thuận hiện tại hết hiệu lực.
Trong các cuộc đối thoại này, các nhà ngoại giao châu Âu cho biết giới chức Iran thường xuyên dò hỏi về chính quyền mới của Mỹ và Tehran vẫn coi Washington là yếu tố chính trong các cuộc đàm phán hạt nhân.
“Iran tin rằng các cuộc đàm phán với E3 và các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng, đồng thời là bước đệm cho các cuộc đối thoại với Mỹ”, một quan chức Iran cho hay.
Hoàng Phạm/VOV.VN
Theo Reuters
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chau-au-bi-gat-khoi-dam-phan-hat-nhan-my-iran-du-nam-quan-bai-quan-trong-post1191208.vov