Những tác động gián tiếp từ các chính sách liên tục thay đổi của ông Trump có thể gây áp lực lên doanh thu của Điện Kremlin, trong bối cảnh cam kết của Nga đối với các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine vẫn chưa rõ ràng.
Áp lực với Nga ngay cả khi không bị áp thuế
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế quan mới trên phạm vi toàn cầu, có một quốc gia đáng chú ý vắng mặt trên tấm bảng các nước bị áp thuế mà ông giơ lên tại một sự kiện ở Nhà Trắng, đó là Nga.
Tuy nhiên, những tác động gián tiếp từ các chính sách liên tục thay đổi của ông Trump đã bắt đầu kéo giá dầu xuống - huyết mạch của nền kinh tế Nga và có thể gây áp lực lên doanh thu của Điện Kremlin, trong bối cảnh cam kết của Nga đối với các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine vẫn chưa rõ ràng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh minh họa: Newsweek
Dầu Urals, loại dầu xuất khẩu chính của Nga đã lao dốc trong tuần này xuống mức thấp nhất kể từ năm 2023, khoảng 52 USD/thùng, tức là thấp hơn khoảng 30% so với mức giá dầu chuẩn 70 USD/thùng mà Nga đã lấy làm cơ sở trong kế hoạch ngân sách năm 2025. Đợt giảm giá này diễn ra sau một cú sụt giảm mạnh trên thị trường dầu quốc tế, sau khi thuế quan của chính quyền ông Trump áp lên Trung Quốc có hiệu lực và sau quyết định bất ngờ tăng sản lượng của OPEC+.
Xuất khẩu dầu chiếm khoảng 30% nguồn thu ngân sách của Nga và là chìa khóa duy trì nỗ lực chiến đấu của nước này trong 3 năm kể từ khu xung đột nổ ra. Đà sụt giảm giá dầu đang tiến gần kịch bản rủi ro mà Ngân hàng Trung ương Nga từng cảnh báo cho năm 2025, rằng đất nước có thể đối mặt với một giai đoạn giá dầu ở mức thấp kéo dài, dẫn đến những áp lực nghiêm trọng với ngân sách quốc gia.
"Ảnh hưởng chính đến chúng ta có thể sẽ đến từ việc giá dầu giảm. Bởi vì nếu cuộc chiến thuế quan tiếp tục kéo dài thì điều đó thường dẫn đến sự suy giảm trong thương mại toàn cầu, nền kinh tế và có lẽ là nhu cầu năng lượng của chúng ta. Vì vậy, rủi ro là có thật", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina phát biểu trước các nghị sĩ Nga hôm 8/4.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã miêu tả tình hình hiện nay là "cực kỳ hỗn loạn, căng thẳng và quá tải về mặt cảm xúc", đồng thời cho biết các quan chức tài chính tại Moscow đang nỗ lực "giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế quốc tế đối với nền kinh tế của chúng ta".
Giải thích của chính quyền ông Trump về việc loại Nga khỏi danh sách các quốc gia bị áp thuế đã thay đổi theo thời gian, ban đầu là do không muốn làm gián đoạn các cuộc đàm phán liên quan đến Ukraine, sau đó lại viện dẫn lý do mức độ trao đổi thương mại giữa Mỹ và Nga ở mức rất thấp.
Tại Nga, phản ứng của giới chức và truyền thông đối với các biện pháp thuế quan của ông Trump rất khác nhau. Một số nhà phân tích cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ đã làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu và gây tổn hại đến Tây Âu – điều mà họ cho là có lợi cho Nga, nhưng cũng có những đánh giá thận trọng hơn cảnh báo Nga có thể sẽ chịu thiệt hại gián tiếp từ những biến động này.
"Tổng thống Trump đang vô tình giúp nền kinh tế Nga trở nên ổn định hơn", Boris Titov, Đặc phái viên của Tổng thống Putin về doanh nghiệp quốc tế nhận định. Theo ông: “Một mặt giá dầu giảm sẽ tác động tiêu cực đến nguồn thu ngân sách và tỷ giá đồng rúp nhưng mặt khác, điều đó sẽ tạo động lực thúc đẩy Nga giảm phụ thuộc vào việc xuất khẩu các nguyên liệu thô".
"Việc không bị áp thuế là cơ hội để tăng cường sản xuất và phát triển các ngành công nghiệp mới cho thị trường nội địa lẫn thị trường Mỹ. Những nước đối mặt với mức thuế mới của Mỹ sẽ tìm đến Nga để đầu tư sản xuất, chẳng hạn như Trung Quốc với ngành ô tô của họ. Điều này sẽ góp phần vào tiến trình đa dạng hóa nền kinh tế vốn được chờ đợi từ lâu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng".
Chính quyền Tổng thống Trump đã áp thuế 125% lên hàng hóa Trung Quốc, trong khi tạm hoãn áp nhiều loại thuế mới với các nước khác.
Tuy nhiên, Nga cũng có thể chịu tác động nếu kinh tế Trung Quốc suy giảm. Trong bối cảnh bị cô lập khỏi phương Tây, nền kinh tế Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, hiện là đối tác mua hàng chủ lực, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt, kim loại và nông sản Nga.
"Nga không có một danh mục khách hàng đủ đa dạng, điều này khiến họ đặc biệt dễ tổn thương trước bất kỳ biến động nào từ phía Trung Quốc", chuyên gia kinh tế Đức Janis Kluge chuyên nghiên cứu về Nga nhận định. Ông nói thêm: "Hiện nay là thời điểm mà các biện pháp trừng phạt có thể phát huy sức ép thực sự bởi các yếu tố phòng vệ thông thường như giá dầu cao, các đối tác ổn định như Trung Quốc hay tâm lý lo ngại trên thị trường giờ đây không còn đáng tin cậy nữa”.
Chính quyền ông Trump áp thuế vào đúng lúc doanh thu dầu mỏ và khí đốt của Nga đang suy giảm, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 3 và nền kinh tế đang có dấu hiệu căng thẳng. Một bài bình luận gần đây trên tờ Nezavisimaya Gazeta nhận định rằng Nga hiện đang “ở đâu đó giữa suy giảm và suy thoái”.
Ukraine - quốc gia đang chịu mức thuế 10%, từ lâu đã chỉ trích những nước vẫn mua dầu khí từ Nga và kỳ vọng việc giá dầu giảm lần này sẽ thực sự bóp nghẹt ngân sách của Moscow.
"Giá dầu càng thấp, Nga càng có ít ngân sách để tiếp tục cuộc xung đột này", Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine - ông Andriy Yermak viết trên mạng xã hội.
Lợi thế của ông Trump
Sự phụ thuộc của Nga vào giá dầu mang lại cho Tổng thống Trump một lợi thế rõ rệt trong việc gây sức ép với Moscow trên bàn đàm phán nếu ông định sử dụng công cụ này, chuyên gia Kluge nói. Chính quyền cựu Tổng thống Biden trước đó đã siết chặt hoạt động của các "đội tàu bóng tối" của Nga nhưng nhìn chung Washington vẫn khá thận trọng khi hạn chế mạnh hơn dòng chảy năng lượng từ Nga.
"Giá dầu cao trong 3 năm qua giống như bảo hiểm cho Nga, đồng nghĩa với việc phương Tây luôn giới hạn các lệnh trừng phạt, tránh động đến nguồn thu xuất khẩu lớn nhất của Moscow, đơn giản vì rủi ro làm chao đảo thị trường toàn cầu quá lớn. Hiện đang có một cơ hội hiếm hoi để đảo ngược điều này dù nó diễn ra theo cách không mong muốn", ông Kluge nhận định.
Alexandra Prokopenko, cựu cố vấn Ngân hàng Trung ương Nga, hiện là chuyen gia tại Trung tâm Nghiên cứu Nga và Á - Âu thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng ngân sách quốc phòng sẽ là lĩnh vực cuối cùng bị cắt giảm. Tuy nhiên, bà cảnh báo, nếu giá dầu không sớm ổn định, Nga sẽ buộc phải "xem xét lại một số khoản chi tiêu quan trọng và hướng tới việc thắt chặt ngân sách một cách nghiêm ngặt hơn".
Việc doanh thu từ xuất khẩu dầu sụt giảm cũng có thể hạn chế khả năng cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương, trong bối cảnh lãi suất hiện vẫn còn ở mức 21%. Cuối năm ngoái, những căng thẳng về triển vọng kinh tế Nga đã bùng phát công khai khi một số thành phần trong giới tinh hoa lên tiếng chỉ trích về cái giá phải trả ngày càng lớn do các lệnh trừng phạt, lạm phát gia tăng và lãi suất cao đang bóp nghẹt hoạt động của doanh nghiệp.
Những đồng minh thân cận với Tổng thống Putin cũng đã công khai chỉ trích chính sách lãi suất cao của Ngân hàng Trung ương, thậm chí kêu gọi nhà lãnh đạo Nga gây áp lực với cơ quan này để ngăn chặn nguy cơ tăng lãi suất thêm một lần nữa.
Sergei Chemezov - người đứng đầu tập đoàn công nghiệp quốc phòng nhà nước Rostec cảnh báo từ năm ngoái rằng, nếu lãi suất vẫn giữ ở mức hiện tại, “gần như phần lớn các doanh nghiệp của chúng ta sẽ lâm vào cảnh phá sản” và Nga có thể sẽ buộc phải thu hẹp hoạt động xuất khẩu vũ khí.
Theo Kiều Anh/VOV.VN
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/loi-the-bat-ngo-cua-ong-trump-va-ap-luc-nga-phai-doi-mat-trong-con-bao-thue-quan-post1191237.vov