Cập nhật: 14/04/2025 10:00:00
Xem cỡ chữ

Sau 90 ngày, nếu Mỹ áp thuế 2% thì xuất khẩu nông lâm nghiệp và thủy sản sẽ ảnh hưởng khoảng 10,7% và tỷ lệ tăng trưởng giảm 0,15 đến 0,2%; nếu Mỹ áp thuế 46%, tỷ lệ tăng trưởng sẽ giảm sâu hơn.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản quý I đạt 15,72 tỷ USD. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản quý I đạt 15,72 tỷ USD. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết trong quý I/2025, tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,74% - đây là mức tăng cao nhất trong quý I của 4 năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu của các ngành này đạt 15,72 tỷ USD; xuất siêu đạt gần 4,4 tỷ USD. Kết quả này tiếp tục củng cố vị thế nông lâm thủy sản của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tuy vậy, trong 3 tháng qua, nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng đối mặt rất nhiều khó khăn cần phải giải quyết. Đặc biệt là tình hình “chiến tranh thương mại” trên thế giới, điển hình là việc Mỹ đưa ra thông tin áp thuế lên tới 46% đối với Việt Nam; giá một số mặt hàng xuất khẩu giảm…

Củng cố vị thế trên thị trường thế giới

Thông tin tình hình sản xuất 3 tháng đầu năm 2025, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Đặng Ngọc Điệp cho biết trong bối cảnh sáp nhập tổ chức và biến động nhân sự, trong quý I, ngành nông nghiệp và môi trường vẫn ghi nhận nhiều kết quả khả quan.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản quý I đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Trong đó, nông sản 8,53 tỷ USD, tăng 12,2%; lâm sản 4,21 tỷ USD, tăng 11,2%; thủy sản 2,29 tỷ USD, tăng 18,1%; sản phẩm chăn nuôi 131,3 triệu USD, tăng 18,5%; đầu vào sản xuất tăng 19,6%.

“Xuất siêu gần 4,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước,” ông Điệp nhấn mạnh đây là kết quả tương đối tốt trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội 3 tháng qua có rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ.

Điển hình như dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi có tiềm ẩn nguy cơ khó lường; giá một số mặt hàng xuất khẩu giảm; một số nước thắt chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu, tăng tần suất kiểm tra hàng hóa nông sản nhập khẩu.

Đặc biệt là tình hình “chiến tranh thương mại” trên thế giới. Gần đây là việc Hoa Kỳ công bố áp dụng thuế đối ứng đối với hàng hóa nhập khẩu các nước, trong đó áp thuế đối ứng với Việt Nam lên tới 46%. Thông tin này đã trở thành “cú sốc” lớn đối với doanh nghiệp nông lâm nghiệp và thủy sản, nhất là các doanh nghiệp trong ngành chế biến và xuất khẩu gỗ sang Mỹ.

Nhìn nhận thực tế từ lĩnh vực lâm nghiệp, ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cho biết trong quý I/2025, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành lâm nghiệp (từ trồng rừng, trồng cây phân tán, bảo vệ rừng, phòng cháy-chữa cháy rừng, khai thác gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản, chi trả dịch vụ môi trường rừng) về cơ bản đều đạt kết quả khả quan.

Đơn cử ngành lâm nghiệp ghi nhận nhiều kết quả tích cực với hơn 49.000 ha rừng trồng mới, tăng 12,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt trên 4,3 triệu m3, tăng 16,6%; thu hơn 836 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Đặc biệt là giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng, xuất siêu đạt khoảng 3,5 tỷ USD.

Tuy vậy, ông Bảo cũng cho biết qua nắm bắt tình hình thương mại (nhất là việc Mỹ áp thuế đối ứng với hàng chục nền kinh tế, trong đó Việt Nam), hoạt động xuất-nhập khẩu của một số doanh nghiệp cũng có chút ảnh hưởng, bởi không nắm được thông tin cụ thể để có hướng điều chỉnh.

chay-rung.jpg

Khoảng 19h ngày 12/4 người dân phát hiện đám cháy tại tiểu khu 291 thuộc địa phận thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu. (Nguồn: TTXVN)

Đối với lĩnh vực về cháy rừng và phá rừng, người đứng đầu Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cho biết theo số liệu thì trong quý I/2025, có giảm số vụ và quy mô diện tích bị thiệt hại. Tuy nhiên, số liệu cập nhật chưa đầy đủ, nhất là 40ha rừng từ hai vụ cháy xảy ra mới đây tại Quảng Ninh.

3 kịch bản tăng trưởng từ chính sách thuế

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng cho biết một trong những vấn đề có tác động lớn đến “tâm lý” của doanh nghiệp nông lâm nghiệp và thủy sản trong quý I/2025, là thông tin áp thuế đối ứng lên tới 56% từ phía Mỹ.

Trước tình hình đó, vừa qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng đã trao đổi, đàm phán và mới đây Tổng thống Donald Trump đã thông báo tạm hoãn áp thuế đối ứng ở mức cao với hàng chục đối tác thương mại trong 90 ngày, sau đó sẽ đưa ra quyết định chính thức.

Chia sẻ thêm về hướng ứng phó, ông Đặng Ngọc Điệp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và các Thứ trưởng, đơn vị này đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng đáp ứng theo tình hình áp thuế của phía Mỹ.

Cụ thể, Vụ Kế hoạch - Tài chính dự kiến sau 90 ngày, nếu Mỹ áp thuế 0% thì cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành. Thậm chí với tốc độ tăng trưởng hiện nay, quý II sẽ tiếp tục đạt mục tiêu tăng trưởng.

“Kịch bản thứ 2 là sau 90 ngày, nếu Mỹ áp thuế 2% thì xuất khẩu sẽ ảnh hưởng khoảng 10,7% và tỷ lệ tăng trưởng sẽ giảm 0,15 đến 0,2 %. Kịch bản thứ ba, sau 90 ngày, nếu Mỹ tiếp tục áp thuế 46% thì chúng ta sẽ còn giảm khoảng tầm 0,3-0,4% tỷ lệ tăng trưởng,” ông Điệp chia sẻ.

Với các kịch bản trên, ông Điệp cho biết vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đi họp Chính phủ và báo cáo, lãnh đạo các bộ đã đánh giá rất cao. Thậm chí, ông Điệp cho biết phía Bộ Tài chính còn xin các kịch bản trên để “đưa vào đóng quyển” thành tài liệu.

Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, cũng cho biết sau khi nắm được thông tin Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày, cục này cùng với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đã xây dựng đề cương chi tiết về toàn cảnh xuất - nhập khẩu đối với Hoa Kỳ, để cung cấp báo cáo cho đoàn đàm phán.

Ngoài ra, kết thúc giai đoạn 1 điều tra về việc nhập khẩu các nguyên liệu gỗ vào Hoa Kỳ, ông Bảo cho biết Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cùng với các doanh nghiệp của Việt Nam đã tiến hành giải trình. Trong giai đoạn 2 là giai đoạn “điều trần.”

“Kinh nghiệm từ năm 2021 đến nay cho thấy đã có 3 cuộc điều tra về chống phá giá, liên quan đến gỗ hợp pháp và nhập khẩu gỗ từ nước ngoài. Tất cả các vụ này đều đã có kết luận và không có vấn đề gì xảy ra. Chủ yếu yêu cầu từ phía Hoa Kỳ là đề nghị các doanh nghiệp của Việt Nam phải khai, nộp đầy đủ các loại hồ sơ trong 5 năm, để có thể truy suất lúc cần thiết,” ông Bảo chia sẻ và nhấn mạnh quan điểm tiên quyết của bộ, cục là nói không với vấn đề gian lận nên càng minh bạch càng tốt.

Về nhiệm vụ trong quý II/2025 cũng như trong thời gian tới, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản.

Theo đó, bộ sẽ xử lý các vấn đề nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, như: Tồn dư chất cadimi trong sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc; đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, EU; “mở cửa” các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Ấn Độ, Hàn Quốc, Châu Phi...

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng theo dõi diễn biến của việc áp thuế của Hoa Kỳ, thúc đẩy đàm phán với Hoa Kỳ cũng như áp dụng các giải pháp tích cực để giảm thiểu tác động bất lợi cho doanh nghiệp và nông dân; phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp và môi trường cũng sẽ tăng cường kiểm tra chống khai thác IUU tại các địa phương; tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo quốc gia về IUU; tiếp tục báo cáo Ủy ban châu Âu tình hình, kết quả chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề án ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Theo (Vietnam+)

 https://www.vietnamplus.vn/nong-lam-thuy-san-viet-nam-tang-truong-manh-van-lo-boi-3-kich-ban-ap-thue-post1027547.vnp