Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy bằng chứng ấn tượng về hiện tượng thời tiết cực đoan đã định hình vùng miền Tây nước Mỹ thời tiền sử.
Những hình ảnh này được chụp bởi vệ tinh Landsat 9 vào tháng 6/2024, tiết lộ các thành tạo đá đỏ sâu tại bang Montana và Wyoming, được các nhà khoa học cho rằng đã hình thành từ hiện tượng "siêu gió mùa" cách đây khoảng 220 triệu năm.

Hình ảnh từ NASA cho thấy các nếp uốn địa chất nổi bật cắt qua địa hình tại bang Montana và Wyoming. Ảnh: NASA
Trọng tâm của phát hiện này nằm ở khu vực địa chất Chugwater trong lưu vực Bighorn, một vùng đất thấp hình bầu dục được bao quanh bởi 6 dãy núi. Lưu vực này trải dài 150 dặm qua các vùng của Montana và Wyoming, nổi tiếng với kho tàng hóa thạch phong phú.
Theo các nhà khoa học, màu đỏ đặc trưng của khu vực này là dấu hiệu của quá trình oxy hóa rộng lớn các lớp trầm tích, do những biến động khí hậu cực đoan trong kỷ Tam Điệp, khi Bắc Mỹ vẫn còn là một phần của siêu lục địa Pangaea.
Hình ảnh từ NASA cho thấy các nếp uốn địa chất nổi bật cắt qua địa hình, kết quả của hàng triệu năm hoạt động kiến tạo. Những thành tạo này xuất hiện khi các khối lục địa, từng kết nối trong Pangaea, sau đó tách ra và tái kết hợp tạo thành các lục địa như ngày nay.
Trong giai đoạn đó, các "siêu gió mùa" quy mô lớn được cho là đã quét qua các vành đai nhiệt đới của siêu lục địa cổ, mang theo những chu kỳ mùa mưa và mùa khô mạnh mẽ. Những biến đổi khí hậu này được cho là đã kích hoạt quá trình oxy hóa - hay gỉ sét - của các trầm tích lộ thiên trên diện tích rộng lớn.
Vùng Bighorn Canyon hiện là một phần của Khu Giải trí Quốc gia, được thành lập năm 1966 sau khi xây dựng đập Yellowtail. Khu vực này bao gồm hơn 70 dặm hồ dọc theo sông Bighorn và thu hút hơn 200.000 lượt khách tham quan hàng năm, đồng thời cung cấp cái nhìn độc đáo về lịch sử địa chất và nhân văn của khu vực.
Theo Đào Lâm (TTXVN)
https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nasa-he-lo-ve-sieu-gio-mua-co-dai-qua-hinh-anh-ve-tinh-moi-20250420062017879.htm