Các nhà nghiên cứu tìm thấy bộ xương của người đàn ông với dấu vết cắn nhiều khả năng của sư tử, ở nghĩa trang Driffield Terrace (Anh) - bằng chứng về đấu trường giữa người và thú dữ thời La Mã.

Nghệ thuật La Mã từ thế kỷ thứ nhất mô tả một chiến binh đang đối mặt với sư tử. (Nguồn: Shutterstock)
Một phát hiện khảo cổ học mới đã cung cấp bằng chứng vật chất đầu tiên về các trận đấu giữa người và thú dữ tại châu Âu thời La Mã.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bộ xương của một người đàn ông với dấu vết cắn của một loài mèo lớn, nhiều khả năng là sư tử, tại nghĩa trang Driffield Terrace ở thành phố York, nước Anh.
Bộ hài cốt được đánh số 6DT19, có niên đại từ khoảng năm 200-300 sau Công nguyên, là một phần trong số 81 ngôi mộ và 14 địa điểm hỏa táng được phát hiện cách đây 20 năm.
Điều đặc biệt là phần lớn các bộ hài cốt thuộc về nam giới trẻ tuổi, nhiều người trong số đó có dấu hiệu chấn thương như gãy xương hoặc bị chặt đầu, gợi ý về khả năng họ là các võ sỹ giác đấu.
Giáo sư Tim Thompson từ Đại học Maynooth, Ireland, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Những phát hiện này có ý nghĩa to lớn. Trong nhiều năm, hiểu biết của chúng ta về các trận giác đấu và các màn trình diễn với thú dữ thời La Mã chủ yếu dựa vào các văn bản lịch sử và miêu tả nghệ thuật."
Bằng cách sử dụng công nghệ quét 3D hiện đại, các nhà nghiên cứu đã phân tích các vết lõm trên xương chậu của bộ hài cốt. Kết quả cho thấy các vết này khớp với dấu cắn của một loài mèo lớn, rất có thể là sư tử.
Vị trí của các vết cắn trên xương chậu cho thấy chúng có thể xuất hiện khi con thú tấn công nạn nhân hoặc xé xác sau khi người này thiệt mạng.
Tiến sỹ John Pearce từ Đại học King's College London nhận định: "Những vết cắn này là bằng chứng cụ thể về các màn trình diễn tại đấu trường La Mã ở Anh, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về không gian này như một nơi thể hiện sức mạnh tàn bạo của đế chế."
David Jennings, Giám đốc điều hành Tổ chức khảo cổ York Archaeology, nhấn mạnh tầm quan trọng của phát hiện này: "Dù chúng ta có thể không bao giờ biết điều gì đã đưa người đàn ông này đến đấu trường, nhưng thật đáng kinh ngạc khi bằng chứng khảo cổ học đầu tiên về loại hình giác đấu này lại được tìm thấy xa đến vậy so với Đấu trường La Mã ở Rome"./.
Theo (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/phat-hien-bang-chung-ve-dau-truong-giua-nguoi-va-thu-du-tai-anh-thoi-la-ma-post1035112.vnp