Triển lãm tương tác đặc biệt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước do Báo Nhân Dân tổ chức không chỉ thu hút đông đảo công chúng bằng nội dung trưng bày phong phú mà còn ghi dấu ấn đậm nét nhờ cách kể chuyện lịch sử mới mẻ, hấp dẫn, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại.

Học sinh Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) tham quan triển lãm tại Báo Nhân Dân sáng 28/4.
Công nghệ - chiếc cầu nối lịch sử với thế hệ trẻ
Trong không khí hào hùng của những ngày cuối tháng 4 lịch sử, triển lãm tương tác về Ngày Thống nhất đất nước được tổ chức tại trụ sở Báo Nhân Dân, số 71 Hàng Trống, Hà Nội đã trở thành điểm hẹn văn hóa-lịch sử thu hút đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Không chỉ xếp hàng dài để tham quan, nhiều bạn trẻ còn chia sẻ niềm hào hứng khi được “chạm” vào lịch sử bằng những công nghệ tương tác hiện đại.
Sau gần 1 tuần đi vào hoạt động, sức hút của triển lãm vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Ngay từ sáng sớm ngày thứ Hai đầu tuần (28/4), bất chấp cơn mưa lớn bất ngờ, hàng trăm lượt khách, trong đó phần lớn là học sinh, sinh viên vẫn xếp hàng dài kiên nhẫn chờ đến lượt vào tham quan triển lãm.

Học sinh Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) tham quan triển lãm tại Báo Nhân Dân sáng 28/4
Với nhiều người trẻ, triển lãm lần này không đơn thuần là một sự kiện kỷ niệm, mà còn là hành trình trải nghiệm lịch sử bằng tất cả giác quan, nhờ sự kết hợp giữa những tư liệu quý và công nghệ tiên tiến như 3D mapping, thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR).
“Em thực sự bất ngờ khi bước vào không gian triển lãm”, Nguyễn Tuấn Minh - sinh viên năm thứ 4, Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ. “Những bức ảnh, tư liệu, video và mô hình 3D không chỉ cho em thấy lịch sử, mà còn khiến em cảm nhận được nhịp đập, hơi thở của từng thời khắc”.
Khác với nhiều triển lãm truyền thống vốn mang không khí trang nghiêm, tĩnh lặng, tại đây, khán giả trẻ được trải nghiệm một không gian lịch sử sống động với công nghệ hiện đại tích hợp thông qua các mã QR gắn trên từng khu vực trưng bày. Với điện thoại thông minh hoặc kính thực tế ảo VR, chỉ cần một thao tác quét mã đơn giản, người xem có thể “bước vào” trận đánh ác liệt, “gặp gỡ” những nhân vật lịch sử và “sống lại” những khoảnh khắc không thể nào quên của dân tộc.
Trần Minh Quang (28 tuổi, nhân viên truyền thông) cho biết: “Tôi đã có dịp tham quan một số bảo tàng trong và ngoài nước, nhưng cách triển lãm lần này sử dụng AR và VR để tái hiện lịch sử thực sự ấn tượng. Mọi thứ rất trực quan, sinh động. Nó khiến lịch sử trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn với giới trẻ”.
Không gian triển lãm được thiết kế như một dòng chảy lịch sử, đưa người xem ngược thời gian trở về với khoảnh khắc thiêng liêng khi miền nam hoàn toàn giải phóng cách đây tròn 50 năm. Thay vì chỉ trưng bày tĩnh, mỗi khu vực đều có mã QR hướng dẫn, cho phép người tham quan truy cập các nội dung mở rộng như phim tư liệu, mô hình 3D...

Không gian triển lãm được thiết kế như một dòng chảy lịch sử
Một điểm đặc biệt khiến triển lãm “được lòng” khán giả trẻ chính là cách ứng dụng công nghệ tương tác. Trong đó, công nghệ 3D mapping được ứng dụng để tái hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử... Bằng những hình ảnh sống động, âm thanh chân thực và hiệu ứng ánh sáng đa chiều, các câu chuyện lịch sử như sống dậy ngay trước mắt người xem.
“Những hình ảnh 3D mapping về chiến dịch quân sự khiến em có cảm giác như mình đang được chứng kiến tận mắt”, Nguyễn Thảo Vy (21 tuổi, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) hào hứng. “Nó không chỉ là những con số, sự kiện khô khan nữa, mà trở thành những câu chuyện thực sự chạm đến cảm xúc”.
Không chỉ mạnh về công nghệ, triển lãm còn ghi dấu ấn bởi cách tổ chức nội dung có chiều sâu, sáng tạo. Các chủ đề được chia thành nhiều “chương hồi” mạch lạc. Mỗi không gian đều được thiết kế vừa đủ để gợi cảm xúc, khiến người xem không bị “ngợp” mà vẫn theo dõi được trọn vẹn câu chuyện lịch sử.
Nguyễn Hoàng Nam (23 tuổi, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận xét: “Điều em thích ở triển lãm này là cách dẫn dắt rất hợp lý. Từ đầu đến cuối, mình như đang theo dõi một cuốn phim lịch sử, mỗi bước chân là một phân đoạn cảm xúc”.

Học sinh hào hứng khi trải nghiệm hoạt động ngoại khóa trong không gian lịch sử sống động
Không khí triển lãm cũng được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử được tái hiện. Các mô hình, hoạt cảnh 3D… tại triển lãm giúp khách tham quan được hóa thân thành các chiến sĩ giải phóng. Tất cả góp phần đưa người xem thực sự “sống trong câu chuyện” chứ không chỉ đứng ngoài quan sát.
Phụ san đặc biệt - món quà lưu giữ lịch sử
Một điểm nhấn khác không thể không nhắc tới là phụ san đặc biệt do Báo Nhân Dân phát hành nhân dịp này. Không chỉ tổng hợp những tư liệu, các mốc lịch sử chọn lọc, phụ san còn tích hợp nhiều mã QR liên kết trực tiếp với các nội dung số hóa, hình ảnh, phim tài liệu... Nhờ đó, dù đã rời khỏi không gian triển lãm, người xem - đặc biệt là giới trẻ - vẫn có thể tiếp tục hành trình khám phá lịch sử ngay trên chiếc điện thoại của mình, mọi lúc mọi nơi.
“Em rất thích phụ san này”, Trần Mai Linh, 20 tuổi, sinh viên Trường đại học Luật Hà Nội nói. “Nó giống như một 'bảo tàng mini' di động vậy. Mỗi khi rảnh, em lại mở ra đọc, xem hình ảnh, cảm giác rất khác biệt so với sách lịch sử truyền thống. Thế hệ chúng em quen với điện thoại, mạng xã hội, nên việc lồng ghép công nghệ như thế này là một cách hữu hiệu để kết nối lịch sử với giới trẻ”, Linh cho biết.
Có mặt từ sớm tại lối vào của triển lãm, Nguyễn Duy Sơn hào hứng mở ngay phụ san vừa nhận được ra trải nghiệm cùng người bạn đi cùng. Đang là sinh viên của Trường Đại học Hạ Long, Quảng Ninh, Duy Sơn cho biết đã tự đi từ nhà ở Uông Bí lên để trực tiếp nhận phụ san.
“Chiều hôm qua em đã đến xếp hàng nhưng chưa nhận được. Sáng nay, em quay trở lại từ sớm và vui mừng vì tờ phụ san đã đến được tay mình”, Sơn chia sẻ.

Sinh viên Nguyễn Duy Sơn và Nguyễn Tuấn Minh đến triển lãm từ sớm
Lưu Ngọc Diệp, giáo viên Trường THPT Thuận Thành, Bắc Ninh cũng đi một chặng đường dài để tới với triển lãm. “Trong không khí cả nước hướng về ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, ở trong không gian này, tôi thấy lòng rưng rưng xúc động”.
Ngọc Diệp cho biết nhà mình có bà là Mẹ Việt Nam Anh hùng, hai bác là liệt sĩ, bố là thương binh, cựu chiến binh. “Tôi thấy mình vô cùng may mắn được sinh ra trong thời bình, được chứng kiến niềm vui hòa bình của đất nước. Vui biết mấy nữa là khi bản thân là giáo viên, được chứng kiến cảnh các bạn trẻ quan tâm, tìm hiểu về lịch sử”, chị Ngọc Diệp chia sẻ.
Ông của chị Ngọc Diệp là cựu chiến binh, và cũng là một độc giả lâu năm của Báo Nhân Dân. “Vì lý do sức khỏe nên nguyện vọng đi vào Thành phố Hồ Chí Minh của ông phải hoãn lại, ông cũng không tới được buổi triển lãm hôm nay nên đã giao cho tôi đi nhận phụ san”.
“Đây sẽ là món quà quý báu để đem về cho người ông của mình”, chị Diệp nói.
Theo lời cô giáo Diệp, các bạn trẻ vui sướng đến để nhận trên tay tờ báo không chỉ là “theo trend”, mà là tình yêu nước được lan tỏa từ chính ấn phẩm của Báo Nhân Dân. “Tòa soạn đã tạo ra rất nhiều trang báo, ấn phẩm rất đặc biệt trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Qua đây, các bạn trẻ sẽ hiểu biết về lịch sử đất nước nhiều hơn, biết cha ông ta đã ngã xuống như thế nào để chúng ta có được ngày hôm nay.
Đối với chị Hương Giang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân trong dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước còn mang một ý nghĩa xúc động hơn.
Chị chia sẻ, bản thân chị sinh ra đúng vào ngày 30/4 - ngày đánh dấu chiến thắng lịch sử của dân tộc. Bởi vậy, những ấn phẩm gợi nhắc về thời khắc thiêng liêng ấy luôn để lại trong lòng chị niềm tự hào và xúc động sâu sắc.
“Nhận được phụ san lần này, tôi thấy như được trao tận tay một món quà sinh nhật ý nghĩa nhất. Mỗi trang in, mỗi hình ảnh như kể lại câu chuyện không chỉ của dân tộc, mà còn của chính gia đình tôi”, chị Hương Giang tâm sự.
Điều đặc biệt hơn, chị cho biết, bố chị đã nhập ngũ đúng ngày 30/4, tham gia vào đội ngũ những chiến sĩ giải phóng quân. Chính vì thế, những dấu ấn lịch sử gói ghém trong phụ san lần này càng trở nên đặc biệt, khiến nó không chỉ là món quà dành cho chị mà còn là ký ức sống động, là lời tri ân gửi tới người cha, người lính năm xưa.
“Đối với gia đình tôi, đây không đơn thuần là một ấn phẩm lịch sử. Nó là kỷ niệm, là niềm tự hào, là món quà không thể nào quên”, chị Giang xúc động nói.

Hơn cả một sự kiện trưng bày, triển lãm tương tác của Báo Nhân Dân đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam trong hành trình tìm hiểu và yêu lịch sử dân tộc.
Nhiều bạn trẻ chia sẻ, sau khi tham quan triển lãm, họ cảm thấy lịch sử không còn là những bài học khô khan, mà là những câu chuyện đời thực, những con người thật, những cảm xúc thật.
“Triển lãm giúp tụi em thấy lịch sử gần mình hơn, sống động hơn”, Tuấn Minh bày tỏ. “Nó nhắc chúng em nhớ rằng bản thân mình đang được sống trong thành quả của biết bao thế hệ cha anh đi trước”.
Triển lãm tương tác kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước do Báo Nhân Dân tổ chức đã chứng minh rằng: Lịch sử không chỉ có thể lưu giữ qua sách vở và hiện vật, mà còn có thể “sống dậy” mạnh mẽ, cuốn hút qua công nghệ và cách kể chuyện sáng tạo. Và quan trọng hơn cả, triển lãm đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc và truyền lửa cho thế hệ trẻ Việt Nam - những người sẽ tiếp tục viết tiếp những chương sử mới trong hành trình dựng xây đất nước.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/khi-lich-su-tro-nen-song-dong-va-cham-toi-cam-xuc-gioi-tre-post875919.html