Phát biểu với Sputnik, ông Michael Maloof, cựu chuyên gia phân tích cấp cao của Lầu Năm Góc cho rằng, lệnh ngừng bắn Ngày Chiến thắng của Tổng thống Putin là thông điệp cho thấy ông mong muốn đàm phán với Mỹ và Ukraine.
Tổng thống Nga Putin hôm 28/4 tuyên bố sẽ áp dụng lệnh ngừng bắn kéo dài 3 ngày với Ukraine trong tháng 5, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
Theo Điện Kremlin, lệnh ngừng bắn kéo dài 72 giờ sẽ có hiệu lực từ ngày 8/5 đến 0h ngày 10/5. "Với lý do nhân đạo, Nga sẽ ngừng bắn trong thời gian kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng. Mọi hoạt động chiến đấu sẽ tạm ngưng từ 0h ngày 8/5 đến 0h ngày 10/5”, Điện Kremlin dẫn sắc lệnh của Tổng thống Putin nêu rõ.
"Chúng tôi tin rằng phía Ukraine nên noi gương và tuân thủ lệnh ngừng bắn. Trong trường hợp phía Ukraine vi phạm, các lực lượng vũ trang Nga sẽ có phản ứng thích đáng và hiệu quả", Điện Kremlin nhấn mạnh.

Tầm quan trọng của Ngày Chiến thắng
Đây là lần thứ hai Nga tuyên bố lệnh ngừng bắn ngắn hạn. Trước đó, Tổng thống Putin đã ban bố lệnh này vào lễ Phục sinh.
Các chuyên gia chính trị và quân sự Ukraine vẫn còn hoài nghi, trong khi các nước phương Tây vẫn chưa bình luận về cử chỉ thiện chí mới nhất của nhà lãnh đạo Nga. Một số người cho rằng, Moscow đang chuẩn bị tận dụng tối đa lợi ích của lệnh ngừng bắn này.
Trong bối cảnh chính trị hiện tại của Nga, Ngày Chiến thắng là một trong những ngày lễ quan trọng nhất - biểu tượng cho "cuộc đấu tranh" của họ.
Nhà phân tích chính trị Ukraine Volodymyr Fesenko cho rằng: “Đối với Tổng thống Putin, đây thực sự là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Bên cạnh đó, Tổng thống Putin có lẽ đã mời nhiều quan khách nước ngoài đến dự lễ kỷ niệm này. Vì thế việc đảm bảo an ninh là điều rất cần thiết”.
Theo ông Volodymyr Fesenko, Ukraine “không nên sa vào nước cờ của Nga và cần phải chứng minh rằng Nga không phải là bên duy nhất tham gia cuộc chơi. Cuộc chơi có thể không diễn ra theo kịch bản nhất định”.
“Tôi nghĩ Ukraine thực sự cần đưa ra phản ứng với bước đi bất đối xứng, thậm chí là trái ngược để phá vỡ nước cờ của Nga”, ông Volodymyr Fesenko lưu ý. Nhà phân tích này nhấn mạnh, trong hơn ba năm qua, Ukraine đã đề xuất lệnh ngừng bắn theo nhiều hình thức khác nhau, nhưng chúng thậm chí chưa bao giờ được Moscow xem xét.
Mọi thứ đã thay đổi khi ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ. Theo đuổi lộ trình hướng tới một giải pháp hòa bình nhanh chóng, ông Trump nhiều lần tuyên bố Nga cũng muốn hòa bình.
Không muốn mất đi mối liên hệ mới thiết lập với Washington, Tổng thống Putin đã tích cực lặp lại tuyên bố của Trump và bày tỏ thiện chí sẵn sàng đối thoại để hướng tới giải pháp hòa bình. Ông Putin đã tuyên bố lệnh ngừng bắn đầu tiên khi tình hình bắt đầu leo thang. Tuy nhiên chiến sự vẫn diễn ra ác liệt. Nhận thấy rằng xung đột không kết thúc trong vòng 24 giờ hoặc thậm chí trong vòng vài tháng, Mỹ đã cảnh báo sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán.
Thông điệp của của ông Putin
Phát biểu với Sputnik, ông Michael Maloof, cựu chuyên gia phân tích cấp cao của Lầu Năm Góc cho rằng, lệnh ngừng bắn Ngày Chiến thắng của Tổng thống Putin là thông điệp cho thấy ông mong muốn đàm phán với Mỹ và Ukraine.
Tổng thống Nga "muốn chấm dứt xung đột và có lẽ ông muốn thể hiện điều này vào thời điểm cực kỳ đáng nhớ là lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng", chuyên gia Maloof nhận định.
Ông Maloof lưu ý rằng việc Nga giành lại quyền kiểm soát Kursk đã tước đi mọi đòn bẩy của Ukraine, gia tăng áp lực buộc Tổng thống Zelensky phải chấp nhận lệnh ngừng bắn. Chuyên gia này nhấn mạnh, dù ông Zelensky vẫn bám víu vào hy vọng rằng Anh và Pháp có thể cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, nhưng điều này vẫn không đủ giúp họ nếu không có sự hậu thuẫn của Mỹ.
Theo chuyên gia Maloof, những diễn biến trong quá khứ cho thấy bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn và đàm phán, chính phủ Ukraine vẫn nhiều lần phớt lờ và ví dụ rõ ràng nhất là lệnh hoãn tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng trong vòng 30 và lệnh ngừng bắn vào lễ Phục sinh trong thời gian gần đây.
"Chúng ta sẽ phải chờ xem liệu ông Zelensky, sau các cuộc thảo luận gần đây nhất với ông Trump sẽ nhìn nhận thực tế ra sao, liệu Kiev có đồng ý với thỏa thuận giữa Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff và Tổng thống Putin về đề xuất của Washington hay không. Dù sao, ý tưởng địa chiến lược bao trùm của Tổng thống Donald Trump vẫn là tái lập quan hệ bình thường với Nga”, cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc kết luận.
Nhượng bộ khi tình hình bất lợi
Ngay sau khi Tổng thống Putin công bố lệnh ngừng bắn, Bộ Ngoại giao Ukraine đã ngay lập tức có phản ứng.
"Nếu Nga thực sự muốn hòa bình, họ phải ngừng bắn ngay lập tức. Tại sao phải đợi đến ngày 8/5? Nếu Nga ngừng bắn ngay bây giờ và kể từ bất kỳ ngày nào trong 30 ngày thì điều này mới chứng minh họ thật sự muốn chấm dứt xung đột. Ukraine sẵn sàng ủng hộ lệnh ngừng bắn lâu dài, bền vững và toàn diện. Và đây là điều chúng tôi liên tục đề xuất ", Bộ trưởng Ngoại giao Sybiha viết trên X.
Hiện Nga vẫn chưa đưa ra bình luận về tuyên bố trên của Ukraine.
Theo giới phân tích, lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã thay đổi sau khi ông có cuộc gặp Tổng thống Zelensky tại Vatican và “con lắc” có vẻ đang nghiêng về phía Ukraine. Ông Trump cũng đã úp mở về điều này. Trong thông báo đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump viết Tổng thống Putin thực sự có thể không muốn chấm dứt xung đột.
Đây có thể là một lý do quan trọng khác khiến ông Putin quyết định tuyên bố ngừng bắn. Một số nhà quan sát cho rằng, Nga có thể chấp nhận nhượng bộ đôi chút khi thấy tình hình trở nên bất lợi với nước này.
Sau gần một trăm ngày ông Trump làm tổng thống, có vẻ như đây là lần đầu tiên ông Trump lên tiếng chỉ trích gay gắt như vậy đối với Putin. Vì thế, sẽ hợp lý khi Nga thể hiện một số động thái hướng tới hòa bình, chẳng hạn như đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine hoặc tuyên bố ngừng bắn vào tháng 5.
Theo Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thong-diep-nga-gui-toi-my-va-ukraine-phia-sau-lenh-ngung-ban-don-phuong-72-gio-post1195776.vov