Giữa màn đêm vũ trụ sâu thẳm, nơi ánh sáng của Mặt Trời chỉ còn là một đốm mờ, Sao Mộc - hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời - đang trình diễn một vũ điệu ánh sáng kỳ vĩ chưa từng thấy.

Hình ảnh này do NASA cung cấp cho thấy những chi tiết mới về cực quang trên Sao Mộc được Kính viễn vọng không gian James Webb chụp. Ảnh: NASA qua AP
Những hình ảnh mới nhất từ Kính viễn vọng không gian James Webb đã khiến giới thiên văn học sửng sốt khi thấy cực quang của Sao Mộc không chỉ giống như cực quang của Trái Đất, mà còn mạnh mẽ và rực rỡ gấp hàng trăm lần.
Theo thông tin do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố ngày 12/5, nhóm nghiên cứu quốc tế do nhà khoa học Jonathan Nichols thuộc Đại học Leicester (Anh) dẫn đầu đã phân tích các dữ liệu thu được từ James Webb. Kết quả cho thấy những dải ánh sáng trên Sao Mộc không chỉ có cường độ cao mà còn biến đổi nhanh chóng và đầy năng lượng - một đặc trưng mà trước đây, ngay cả những tàu thăm dò vĩ đại như Voyager 2 cũng chỉ có thể “mơ ước” ghi nhận được.
Cũng giống như Trái Đất, cực quang trên Sao Mộc được tạo ra khi các hạt mang điện tích năng lượng cao từ không gian va chạm với các nguyên tử khí trong bầu khí quyển gần các cực từ của hành tinh. Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở nguồn gốc và cường độ. Nếu như Trái Đất cần đến các cơn bão Mặt Trời để "kích hoạt" cực quang thì Sao Mộc còn có một nguồn năng lượng độc đáo khác: Mặt trăng Io, một vệ tinh núi lửa hoạt động mạnh mẽ nhất trong hệ Mặt Trời. Các vụ phun trào dữ dội từ Io giải phóng lượng lớn hạt mang điện vào không gian, tiếp thêm "nhiên liệu" cho cực quang Sao Mộc cháy sáng.
Dù cơ chế hình thành có phần tương đồng với cực quang Bắc Cực hay Nam Cực trên Trái Đất, nhưng về quy mô và độ rực rỡ, cực quang Sao Mộc là một thế giới hoàn toàn khác biệt: choáng ngợp, dữ dội và siêu thực.
Bức ảnh được James Webb - công cụ tinh vi nhất mà con người từng phóng vào không gian - ghi lại vào đêm Giáng sinh 2023 đã đưa chúng ta đến gần hơn với vẻ đẹp ngoài sức tưởng tượng ấy. Dưới ánh nhìn hồng ngoại của kính viễn vọng, những dải sáng chuyển động sống động như nhịp tim của một hành tinh khổng lồ, mang theo năng lượng của vũ trụ và lịch sử hàng tỷ năm hình thành.
Theo các nhà khoa học, đây là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy từ trường của Sao Mộc - vốn mạnh nhất trong hệ Mặt Trời - đang tạo ra những phản ứng ngoạn mục với gió Mặt Trời và có thể cung cấp manh mối về các điều kiện khí quyển của các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời.
Trước đó, James Webb cũng từng gây chấn động khi ghi lại những hình ảnh cực quang mờ nhưng kỳ ảo trên Sao Hải Vương - một hành tinh xa xôi và băng giá vốn chỉ được tàu thám hiểm Voyager 2 phát hiện mờ nhạt trong lần bay qua duy nhất cách đây đã hàng chục năm. Giờ đây, với dữ liệu quý giá về Sao Mộc, kính viễn vọng này tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong của mình trong việc mở ra cánh cửa hiểu biết về vũ trụ.
Theo Thanh Phương (TTXVN)
https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ven-man-bi-an-ve-vu-dieu-anh-sang-tren-sao-moc-20250513130106242.htm