Nằm trong nghệ thuật điêu khắc đình làng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, đình làng Vĩnh Phúc (từ TK XVII-XIX) có một vị trí đặc biệt, nơi lưu giữ mảng đề tài điêu khắc gỗ phong phú, đặc sắc; hầu như trên các thành phần kiến trúc như bức cốn, ván nong, cái kẻ, chiếc bảy, con rường,...đều được nhà điêu khắc xưa trang trí làm mềm mại và đẹp hơn cho phần kết cấu kiến trúc vốn cứng cáp, thô mộc. Bên cạnh đề tài mô phỏng cuộc sống thường nhật của người dân lao động như: Gia đình hạnh phúc, Lễ hội xuống đồng, Đi săn về, Đấu vật, Đua thuyền, Đá cầu...Còn có các đề tài trang trí Tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai), Tứ linh (long, ly, quy, phượng); trong đó hình tượng Rồng luôn được đề cao và chú ý khắc hoạ nổi bật hơn trong các mảng đề tài trang trí kiến trúc đình làng; bởi xuất phát từ quan niệm dân gian Rồng mang biểu trưng của sức mạnh vũ trụ, với uy quyền “mưa thuận, gió hoà” mang đến cho cư dân nông nghiệp lúa nước mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ, sung túc.