Nhận định về triển vọng nền kinh tế thế giới trong năm 2010, Oxford Analytica (một trang Web chuyên cung cấp cho giới lãnh đạo và chủ doanh nghiệp những phân tích và dự đoán của các chuyên gia kinh tế có uy tín về triển vọng phát triển của thế giới) cho rằng mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển giảm, nhưng nền kinh tế toàn cầu nói chung không bị chao đảo do các nước đang phát triển, hiện chiếm 1/2 GDP thế giới, đóng vai trò chủ đạo.
Tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển có khả năng vẫn ở mức thấp với tốc độ tăng trưởng ở Mỹ vào khoảng 2-2,5% và Liên minh châu Âu (EU) 1-1,5%. Kinh tế các nước đang phát triển sẽ tăng trưởng 5-5,5% và kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2-3%.
Mỹ và EU - tiêu dùng vẫn là động lực chính
Nhận xét về kinh tế Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới, Oxford Analytica cho rằng có một sự khác biệt quan trọng giữa tiềm năng phục hồi ngắn hạn và những nhân tố ảnh hưởng đến các triển vọng trung hạn. Về ngắn hạn, động lực cơ bản cho nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ là chi tiêu tiêu dùng, chiếm gần 70% GDP. Nhưng xem ra động lực này vẫn yếu trong năm 2010. Về trung hạn, chi phí tăng lên sẽ gây lo ngại về nạn lạm phát và lãi suất tăng cao. Tiêu dùng thực sự sẽ giảm mạnh vào đầu năm 2010, kéo theo việc giảm tốc độ tăng GDP. Triển vọng tiêu dùng sẽ tăng lại vào giữa năm 2010 và đi cùng với nó là sự phục hồi về chi tiêu đầu tư của các công ty. Các điều kiện tiền tệ dễ dàng, lợi nhuận của khu vực không phải tài chính, đồng USD giảm giá và sự cạnh tranh kinh tế được cải thiện sẽ phục hồi đầu tư.
Về khu vực đồng Euro, mạng tin này cho rằng mặc dù đồng tiền mạnh sẽ kiềm chế lạm phát, tốc độ tăng về tiêu dùng của Liên minh châu Âu (EU) sẽ vẫn yếu trong năm 2010. So với tốc độ việc làm bị mất nhanh ở Mỹ, châu Âu đã ngăn chặn được tình trạng mất việc bằng các biện pháp khác nhau. Việc các ngân hàng EU kìm hãm thanh toán những khoản nợ xấu, trong khi không được cấp đủ vốn sẽ gây nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tín dụng nghiêm trọng trong năm 2010. Đồng Euro mạnh sẽ làm "nản lòng" cả các nhà đầu tư lẫn xuất khẩu, trong bối cảnh xuất khẩu lại là cốt lõi của kinh tế EU. Trong thập kỷ qua, tốc độ tăng GDP của EU chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu.
Nhật - Trung Quốc: những gam màu tương phản
Nhận định về Nhật Bản, Oxford Analytica cho rằng suy thoái kinh tế đặc biệt tàn phá hoạt động kinh doanh của nước này, có lĩnh vực giảm tới 50% hoặc cao hơn. Có những dấu hiệu xuất khẩu được cải thiện là nhờ mức tăng về bán hàng bên trong khu vực châu á. Giống như Hàn Quốc và các nền kinh tế châu á khác, Nhật Bản được lợi từ nhu cầu tăng mạnh ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước vẫn phải vật lộn để cải thiện do tác động của việc giảm giờ làm, tình trạng thất nghiệp và thu nhập thấp ở những công ty nhỏ. Các chính sách tài chính và tiền tệ cũng có "ít đất" phát huy. Vì vậy, kinh tế Nhật Bản có khả năng sẽ chỉ phục hồi từ từ và yếu.
Đối với Trung Quốc, việc chính phủ thực hiện gói kích thích kinh tế trị giá 15% GDP trong 2 năm và tỷ lệ tín dụng ngân hàng tăng mạnh trong năm 2009 đã làm cho nhu cầu tăng ồ ạt trong nền kinh tế Trung Quốc, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này từ mức 6,1% đầu năm 2009 lên 8, 9 trong quý III /2009. Các nước khác cũng được hưởng lợi khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc phục hồi, và động lực này vẫn sẽ được tăng cường trong năm 2010. Nó sẽ không chỉ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng mà còn hỗ trợ phần nào đó cho giá hàng hóa, mở rộng lợi nhuận của Trung Quốc sang nhóm rộng hơn của các thị trường đang nổi.
Các nước đang phát triển đóng vai trò chủ đạo
Còn tốc độ tăng trưởng của Bra - xin, nền kinh tế lớn ở Mỹ La tinh, trong năm 2010 có thể trên 5% nhờ nhu cầu trong nước mạnh và sự hỗ trợ của quốc tế.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước đông dân nhất Nam á là ấn Độ sẽ đạt 7%. Còn tăng trưởng của Nga có thể đạt 3,5- 4,5% sau khi bị giảm với mức hai con số trong năm 2009. Nam Phi, nền kinh tế lớn nhất châu Phi, có thể đạt tốc độ tăng trưởng 1,5% với sự phục hồi của giá hàng hóa và đầu tư mạnh vào hạ tầng cơ sở trước Giải Vô địch bóng đá thế giới 2010.
Nhu cầu trong nước ở các nước đang phát triển, cùng với việc mở rộng buôn bán giữa các nước và khu vực tài chính ổn định cho thấy các nền kinh tế này sẽ tăng trưởng ở mức trung bình 5-6% trong năm 2010. Do các nền kinh tế này hiện chiếm 1/2 GDP thế giới, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu có thể đạt 2-3% trong năm 2010, dù kinh tế của các nước phát triển có trì trệ đi chăng nữa.
Theo Đời Sống Pháp Luật