Cập nhật: 25/04/2010 22:21:40 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lãnh đạo nhóm G20 tuyên bố, nền kinh tế toàn cầu nói chung đang trên đà tăng trưởng mạnh sau khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng vừa qua, mặc dù vẫn bị ảnh hưởng chút ít bởi tình hình tại Hy Lạp.

Trong một hội đàm tại Washinhton, Mỹ, nhóm các quốc gia có nền kinh tế dẫn đầu thế giới này khẳng định, tốc độ khôi phục kinh tế toàn cầu tiến triển nhanh hơn so với dự đoán chủ yếu nhờ vào các chính sách hỗ trợ của chính phủ các nước. Đến nay, Bộ trưởng Tài chính G20 cho biết, những khoản hỗ trợ đó đã được hoàn lại.

 

Bên cạnh đó, Tổng thư ký Kho bạc Mỹ Timothy Geithner nhấn mạnh, quá trình khôi phục diễn ra với tốc độ khác nhau ở các nước. Timothy Geithner khẳng định, “kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng và hệ thống tài chính đang được chữa lành bệnh”

 

G20 cũng khuyến khích các thành viên của nhóm này nên hình thành những chiến lược đáng tin cậy nhằm cắt giảm chi tiêu kích cầu, đồng thời đưa mức lãi suất cực thấp tăng lên ở những mức bình thường hơn.

 

Bộ trưởng tài chính các nước cũng yêu cầu IMF nghiên cứu kĩ lưỡng đề nghị đánh thuế vào các ngân hàng lớn và một số tổ chức tài chính khác, nhằm ngăn chặn rủi ro và giảm gánh nặng cho chính phủ trong việc khắc phục lỗi hệ thống ngân hàng nếu có.

 

Hy Lạp khủng hoảng nợ

 

Bên cạnh tin mừng về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, lãnh đạo G20 cũng lo ngại một cuộc bùng nổ khủng hoảng nợ toàn cầu có thể bắt đầu từ cuộc khủng hoảng nợ chưa có lối thoát ở Hy Lạp.

 

Gia nhập khu vực đồng tiền chung euro năm 2001 là cơ hội lớn để Hy Lạp có thể tiếp cận với thị trường vốn quốc tế. Đáng buồn thay, đây lại là nguyên nhân khiến quốc gia này lâm vào cảnh “chúa chổm”.

 

Ngày 3 - 11 - 2009, Ủy ban Châu Âu (EC) dự báo mức thâm hụt ngân sách của Hy Lạp là 12,7% trong năm 2009 và 12,2% trong 2010.

 

Lợi dụng sự dễ dàng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, gần một thập kỷ qua, Chính phủ Hy Lạp liên tục bán trái phiếu để thu về hàng trăm tỷ USD. Số tiền này lẽ ra có thể giúp kinh tế Hy Lạp tiến xa nếu chính phủ có kế hoạch chi tiêu hợp lý.

 

Tuy nhiên, Chính phủ Hy Lạp chỉ biết chi tiêu (phần lớn cho cơ sở hạ tầng, nâng cao quá mức cần thiết đời sống con người) chứ hầu như không quan tâm đến kế hoạch trả nợ. Đến nay, khoản nợ của Hy Lạp lên đến con số khổng lồ 300t tỉ euro.

 

Tổng thư ký Kho bạc Mỹ Timothy Geithner kêu gọi các nhà đầu tư ra tay cứu Hy Lạp. Đầu tháng này, một thỏa thuận trong cuộc hội đàm hôm thứ bảy vừa qua đã được kí kết. Theo đó, các quốc gia sử dụng đồng euro sẽ đầu tư cho Hy Lạp khoản vay khẩn cấp 30 tỷ euro trong năm đầu tiên, và sau đó Quỹ tiền tệ quốc tế IMF sẽ chi thêm 10 tỉ euro.

 

Hiện, quốc gia này cũng đang phải chịu chính sách “thắt lưng buộc bụng” để giải quyết phần nào hậu quả. Nhưng tối qua, hàng ngàn người biểu tình đã tràn xuống đường phố Athens phản đối sự hà khắc hơn nữa của chính sách này.

 

 

Theo Vân An - TPOnline

Tệp đính kèm