Cập nhật: 06/10/2010 16:15:10 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chương trình bình ổn thị trường nội địa ở các địa phương đã được triển khai tương đối đồng đều, đem lại hiệu quả tốt

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định, việc thực hiện bình ổn giá, bình ổn thị trường tại nhiều địa phương đã góp phần tích cực vào việc kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng gia tăng, việc cung ứng các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo.

 

Theo ông Trần Vinh Nhung, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM, việc thực hiện Tháng khuyến mại trên địa bàn thành phố đã góp phần đáng kể trong việc kìm hãm tốc độ tăng giá, bình ổn giá của tháng 9 do nhiều mặt hàng đã được bán với giá thấp hơn so với giá tháng trước tại 81 siêu thị, trung tâm thương mại.

 

Trong đó, lực lượng chủ lực nhất tham gia Tháng khuyến mại chính là các tổng công ty, các nhà phân phối lớn nên doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cũng tăng mạnh (từ 30 - 50%) giúp cho tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Tp.HCM tăng lên 269.000 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 20,2%.

 

Bà Nguyễn Thị Điền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cũng cho biết, chương trình bình ổn thị trường nội địa ở các địa phương đã được triển khai tương đối đồng đều, đem lại hiệu quả tốt. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Dương đã tổ chức 17 phiên chợ tại nông thôn và các khu công nghiệp. Sau mỗi phiên chợ, tùy theo địa bàn có những nơi đạt doanh số rất cao.

 

Thực hiện chương trình bình ổn thị trường nội địa, trong tháng 9/2010, Hà Nội cũng đã tiếp tục triển khai đợt 2 chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam với 31 phiên chợ hàng Việt được tổ chức trên địa bàn tại 17 huyện, tập trung triển khai chương trình bán hàng bình ổn giá cho 13 doanh nghiệp, giải ngân được 350 tỷ đồng, triển khai được 360 điểm bán hàng.

 

Ông Phạm Đức Tiến, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, không chỉ các doanh nghiệp thương mại, mà các doanh nghiệp sản xuất hàng cũng đã phát triển đại lý bán hàng tại các huyện nên việc cung cấp nhiều mặt hàng trong thời gian qua tương đối ổn định. Bà Nguyễn Thị Điền cũng đề xuất các tổng công ty, ngành hàng có chương trình quảng bá thương hiệu Việt nên phối hợp với các tỉnh đưa sản phẩm vào tổ chức bán hàng về nông thôn. Đồng thời, Bộ Công Thương nên duy trì tổ chức Tuần hàng Việt để “gieo” được hình ảnh tốt về sản phẩm Việt trong lòng người tiêu dùng.

 

Trước nhận định giá cả hàng hóa có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong tháng 10/2010 cũng như 3 tháng cuối năm, để đảm bảo bình ổn giá, Sở Công Thương Tp.HCM đang tích cực chuẩn bị nguồn cung ứng hàng hóa ngay từ khâu xây dựng và phát triển nguồn hàng, xây dựng nguồn nguyên liệu cung cấp cho các tổng công ty lớn thông qua việc phối hợp với các sở công thương trong khu vực Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 

Ông Trần Vinh Nhung khẳng định rằng: “Vấn đề quan trọng nhất để bình ổn giá chính là đảm bảo được nguồn hàng cung ứng cho tiêu thụ nội địa. Việc tạo được nguồn hàng phụ thuộc rất lớn vào sự phối hợp của các sở công thương, doanh nghiệp trên các địa bàn các tỉnh lân cận”.

 

Theo kiến nghị của ông Trần Vinh Nhung, việc xây dựng mạng lưới bán lẻ những mặt hàng bình ổn giá cần được phát triển đến tất cả các vùng. Do vậy, bên cạnh việc mở rộng cung ứng nguồn hàng, Tp.HCM còn khuyến khích các tổng công ty, hệ thống các siêu thị lớn phát triển mạng lưới bán lẻ, nhân rộng chương trình lên thành các phong trào..., đảm bảo cho bình ổn giá lâu dài, không vi phạm các cam kết trong WTO.

 

Đối với tỉnh Bình Dương, để chuẩn bị hàng Tết, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quỹ dự trữ hàng hóa 14 mặt hàng thiết yếu với kinh phí khoảng 120 tỷ đồng, trong đó có giao nhiệm vụ cho 14 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng thiết yếu của tỉnh.

 

Còn tại thị trường Hà Nội, trong tháng 10 có 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nên nhu cầu lương thực, thực phẩm, hàng hóa tăng rất mạnh. Để thực hiện bình ổn giá tốt trong tháng 10, Sở Công Thương đã tìm mọi biện pháp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Trong các siêu thị, tình hình cung ứng hàng mấy ngày qua tương đối đầy đủ, riêng mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống tại một số chợ có biến động tương đối cao nhưng đây chỉ là biến động tạm thời trong dịp Đại lễ. Về cơ bản, Sở Công Thương đã và đang có những biện pháp, xây dựng kế hoạch và làm việc cụ thể với các tổng công ty, doanh nghiệp lớn để đảm bảo nguồn cung các mặt hàng này cho thị trường.

 

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán giá theo niêm yết. Sau khi được tạm ứng vốn vay ưu đãi từ thành phố (210 tỷ trong tổng số 350 tỷ đồng), 13 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ bình ổn giá trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chủ động dự trữ hàng hóa và tổ chức bán hàng ra thị trường một cách ổn định.

 

Để đảm bảo an ninh lương thực trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết, tính đến 15/9/2010, tồn kho trong lưu thông và dự trữ tại các kho của các doanh nghiệp kinh doanh lương thực (chủ yếu của Tổng công ty lương thực miền Bắc và Tổng công ty lương thực miền Nam) vào khoảng 1,4 triệu tấn cho nên trong bất kỳ tình huống nào cũng đảm bảo không thiếu lương thực, kèm theo đó, hệ thống phân phối tại các thành phố lớn cũng được đảm bảo.

 

 

 

Báo điện tử - Thời báo Kinh tế Việt Nam

Tệp đính kèm