Cập nhật: 16/04/2011 10:13:58 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tại các tỉnh phía Bắc đang diễn ra tình trạng lúa đông xuân bị nghẹt rễ, cây sinh trưởng, phát triển chậm và đẻ nhánh muộn hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nông dân đang canh cánh nỗi lo một mùa vụ thất bát.

Lo mất mùa

 

Theo ghi nhận của PV NTNN, tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định… bệnh nghẹt rễ trên lúa đang khiến nhiều diện tích có nguy cơ giảm năng suất. Tại các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch. (Vĩnh Phúc) tình trạng lúa nghẹt rễ, vàng lá đã xuất hiện cục bộ. Ông Bùi Văn Dũng, xã Đức Bác (Lập Thạch) cho biết: "Nhà tôi cấy 5 sào lúa, đã làm cỏ, bón phân đạm lần 2 mà cây lúa cứ lùn tịt. Nhổ gốc lúa lên thì thấy rễ đen và mùi rất khó ngửi".

 

Tại Hải Phòng, theo Sở NNPTNT, tính đến nay, trên đồng ruộng toàn thành phố có khoảng hơn 10.000ha lúa bị bệnh nghẹt rễ, vàng lá, chiếm 30% diện tích gieo cấy cả vụ chiêm xuân. Nhiều nhất là tại các huyện Vĩnh Bảo có gần 3.000ha, huyện Tiên Lãng 1.500ha... Chị Nguyễn Thị Lán, xã Vinh Quang (Vĩnh Bảo) cho biết: "Lúa năm nay chắc mất mùa rồi. Thường sau khi cấy 2 tuần, lúa đã đẻ nhánh, vậy mà đã qua tiết thanh minh, lúa vẫn đang đẻ nhánh, chưa đứng cái, làm đòng. Nhà tôi cấy 6 sào ruộng, mỗi sào đã bón hơn 10kg phân bón các loại, làm cỏ sục bùn 2 lần, phun thuốc kích thích ra rễ, bón phân bón lá mà cây lúa cứ như bị mòn dần. Lúa không lên được, có đám còn bị nghẹt rễ, vàng lá, thối thân, rễ đen".

 

Ông Dương Đức Tùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Phòng cho biết, thường thì các vụ trước thời điểm này lúa đã trong giai đoạn cuối đẻ nhánh, đứng cái và làm đòng, nhưng nay lúa hiện vẫn trong tình trạng bé khóm, đang đẻ nhánh, nhiều khóm lúa bị thối thân. Theo ông Tùng, nguyên nhân khiến lúa chiêm xuân phát triển chậm và mắc bệnh nghẹt rễ, vàng lá là do gặp thời tiết rét kéo dài, nhất là vào thời điểm lúa đang sinh trưởng mạnh thì lại gặp rét đậm.

 

Thêm nữa, lúa cấy trên các chân ruộng đất chua phèn, yếm khí, chế độ phân bón không hợp lý, cấy sâu tay và bùn lắng bó gốc làm rễ lúa không phát triển được. Được biết, hiện UBND TP. Hải Phòng đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương tập trung hướng dẫn nông dân chăm bón lúa đúng kỹ thuật, bằng mọi cách không để giảm năng suất lúa.

 

Khẩn trương cứu lúa

Lúa đông xuân năm nay sẽ trỗ muộn hơn so với mọi năm, một số diện tích sản xuất giống không kịp thu hoạch để chuyển vụ, do vậy các địa phương cần chủ động nguồn giống để có đủ giống đảm bảo chất lượng cho sản xuất vụ hè thu, vụ mùa 2011.

 

Ông Nguyễn Trí Ngọc

 

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt, đã có khoảng 100.000ha lúa đông xuân bị nghẹt rễ, chiếm 20% tổng diện tích gieo cấy toàn miền Bắc. Tính toán của Cục Trồng trọt cho thấy, thời vụ đông xuân năm nay có thể chậm từ 15-20 ngày.

 

Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông xuân, cùng với tình hình sâu bệnh hại lúa trong đó có tình trạng lúa nghẹt rễ, Cục Trồng trọt vừa có công điện gửi Sở NNPTNT các tỉnh phía Bắc yêu cầu khẩn trương có các biện pháp kỹ thuật để cứu lúa.

 

Theo Cục Trồng trọt, đến nay vụ lúa đông xuân 2010-2011 các tỉnh phía Bắc đã gieo cấy cơ bản xong, tuy nhiên vừa qua thời tiết tiếp tục có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, biên độ nhiệt độ ngày đêm cao, độ ẩm không khí lớn, số giờ nắng trong ngày thấp so với cùng kỳ năm trước, đã làm hạn chế quá trình hấp thu dinh dưỡng và đẻ nhánh của cây lúa, dẫn tới lúa sinh trưởng phát triển chậm và đẻ nhánh muộn hơn so với cùng kỳ hàng năm.

 

Nhiều diện tích cấy từ cuối tháng 2 đầu tháng 3 chưa đẻ nhánh, một số diện tích bị nghẹt rễ và vàng lá. Vì thế, với những diện tích lúa gieo cấy bị nghẹt rễ, vàng lá, những diện tích lúa vùng chua trũng cần bón phân vi sinh tổng hợp kết hợp làm cỏ sục bùn, kết hợp phun phân bón qua lá để lúa sinh trưởng phát triển tốt.

 

"Nếu có những biện pháp kỹ thuật cứu lúa kịp thời theo khuyến cáo của cục và Sở NNPTNT các tỉnh thì vụ đông xuân năm nay khó mất mùa, nhưng năng suất lúa có thể giảm" - ông Ngọc cho biết.

 

 

Theo Báo điện tử Dân Việt

Tệp đính kèm