Cập nhật: 07/05/2011 09:37:48 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 44 Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang diễn ra tại Hà Nội, Hội thảo châu Á năm 2050- theo đuổi sự phát triển, bền vững và thịnh vượng đã gợi mở nhiều vấn đề về phát triển của châu Á trong những thập niên tới.

Trong đó, những cơ hội và thách thức cho phát triểnkinh tế Việt Nam đến năm 2050 cũng được chỉ rõ trong quá trình phân tích về khu vực.

 

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), châu Á có thể trở thành một khu vực thịnh vượng vào giữa thế kỷ XXI nếu có cách thức tăng trưởng hợp lý. Động lực phát triển của khu vực này là từ tiến bộ kỹ thuật, tích lũy vốn, lực lượng lao động, sự gia tăng tầng lớp trung lưu, giảm thiểu biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng thông tin. Tuy nhiên, châu Á cũng đối mặt với một loạt nguy cơ như: sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng; quá trình đô thị hóa nhanh chóng dẫn đến nhiều hệ lụy như quá tải cơ sở hạ tầng, tắc đường, ô nhiễm môi trường; nguy cơ mất an ninh lương thực... Và không ngoại lệ, nước ta đang đối mặt với những nguy cơ này. Trước vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định, Việt Nam chọn hướng đi là phát triển bền vững, và áp dụng mô hình phát triển xanh để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chính phủ dành mọi cam kết phát triển kinh tế nhưng sẽ không phát triển bằng mọi giá. Bởi Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực châu Á là nơi cung cấp lương thực quan trọng cho thế giới. Nếu mỗi quốc gia không chủ động ngăn chặn những tác hại của biến đổi khí hậu sẽ tạo nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu, kéo theo nhiều bất ổn khác.

 

Bên cạnh đó, đô thị hóa nhanh chóng là thực trạng chung của các nước đang phát triển ở châu Á. Hiện nay, các đô thị lớn tại nước ta như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với sức ép tăng dân số cơ học quá nhanh và quá tải hạ tầng cơ sở. Trong khi đó, làn sóng người lao động từ khu vực nông thôn ra đô thị tìm kiếm việc làm ngày càng lớn. Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia đề nghị, cần có quyết tâm cao, với những phương án cụ thể, thiết thực trong quá trình thực hiện Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thống đốc Ngân hàng Trung ương âËn Độ Pranab Mukherjee chia sẻ kinh nghiệm: Ấn Độ đang triển khai chương trình đào tạo nghề cho người dân nông thôn, với nhiều trung tâm dạy nghề do Chính phủ tài trợ, nhằm giữ chân họ ở lại quê nhà. Điều này cũng tương tự như mục tiêu đào tạo, giữ chân người lao động nông thôn của Việt Nam, để người dân có thể ly nông nhưng không ly hương, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Ngoài ra, khó khăn chung của nhiều quốc gia châu Á là cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Đây cũng là một thách thức với quá trình phát triển kinh tế nước ta trong thời gian tới. Do vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta giai đoạn 2011 -2020, một trong những khâu đột phá quan trọng được xác định là ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung cho hạ tầng giao thông, cảng biển… Song, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực từ ngân sách, các tổ chức tài trợ lớn. Vì vậy, nước ta đang thí điểm hình thức đầu tư công - tư kết hợp (PPP). Đây cũng là mô hình một số nước phát triển ở châu Á đã áp dụng thành công. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Motoyuki Odach nêu rõ: Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm về phát triển hạ tầng giao thông bằng cách kết hợp đầu tư PPP. Thực tế, khi hạ tầng được cải thiện, sẽ thu hút người dân tham gia đầu tư, cũng như sinh sống tại những vùng đó, khoảng cách giữa đô thị và nông thôn được rút ngắn lại, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao. Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các nước đang phát triển.

 

Tiếp tục con đường hội nhập, tăng cường liên kết khu vực qua các hợp tác song phương, đa phương là phương châm đã và đang được nước ta thực hiện hiệu quả. Chúng ta có thể thấy được niềm tin của Ngân hàng Phát triển châu Á vào tương lai phát triển của nước ta qua cam kết tài trợ tiếp tục được duy trì. Các hỗ trợ này sẽ giúp Việt Nam đi vững vàng trên con đường phát triển kinh tế định hướng tới năm 2050, cũng như thực hiện mục tiêu cùng xây dựng một châu Á thịnh vượng.

 

 

 

Theo báo điện tử ĐBND

 

Tệp đính kèm