Cập nhật: 30/06/2011 15:48:13 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Văn Liệu, Ủy viên Ban Chỉ đạo Tổng điều tra trung ương cho biết, ngày 1/7 tới, sẽ có khoảng 175.000 điều tra viên cùng 4.000 giám sát viên, chỉ đạo viên các cấp trực tiếp tiến hành cuộc tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản trên phạm vi gần 130.000 địa bàn điều tra. Các câu hỏi điều tra sẽ đơn giản, dễ hiểu với bà con nông dân.

PV: Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản là cuộc tổng điều tra có quy mô lớn, nội dung điều tra phức tạp. Vậy Ban chỉ đạo Tổng điều tra (BCĐ) đã có phương án gì để tổng điều tra đạt được kết quả với độ chính xác cao nhất, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê: Để có kết quả cao trong một cuộc tổng điều tra có phạm vi trên cả nước, quy mô rất lớn và nội dung phức tạp, liên quan đến 16,34 triệu đơn vị điều tra trên gần 130.000 địa bàn và có sự tham gia của khoảng 175.000 điều tra viên và tổ trưởng, 4.000 giám sát viên, chỉ đạo viên các cấp quả là một nhiệm vụ rất nặng nề.

 

Để đạt được mục tiêu chất lượng và thời gian, BCĐ trung ương đã tập trung chỉ đạo Tổ thường trực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương làm tốt 4 nhóm công việc sau:

 

Về chuyên môn, nghiệp vụ, thiết kế bảng hỏi kỹ càng, các câu hỏi đơn giản, dễ hiểu đối với bà con nông dân; chuẩn bị rất kỹ các quy trình nghiệp vụ và tiến hành 2 lần điều tra thử nghiệm, lần thứ nhất ở Ninh Bình và lần thứ hai ở 4 tỉnh Nghệ An, Yên Bái, Bình Thuận và Vĩnh Long để kiểm định về nội dung điều tra và một số quy trình nghiệp vụ trong Tổng điều tra; lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành hữu quan và các địa phương.

 

Về tuyển dụng điều tra viên và tổ trưởng, quy định mỗi điều tra viên thực hiện thu thập thông tin trong một địa bàn điều tra mà phần đông số họ là người có kinh nghiệm, hiểu biết, kiến thức về tình hình kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán của địa bàn; đồng thời địa bàn điều tra được phân chia với quy mô số hộ phù hợp (bình quân 140-160 hộ đối với khu vực đồng bằng, 80-100 hộ đối với khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa).

 

Về tuyên truyền, xây dựng kế hoạch chi tiết; lập sổ tay hướng dẫn công tác tuyên truyền với các nội dung thiết thực có phần hỏi – đáp; làm đĩa CD phục vụ tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của xã, của thôn, ấp, bản; chỉ đạo BCĐ các cấp tổ chức các hình thức tuyên truyền phù hợp như phỏng vấn thành viên BCĐ qua hệ thống truyền hình, truyền thanh, tổ chức các đội tuyên truyền cổ động di động, làm các pa-nô, biểu ngữ hoặc dán khẩu hiệu ở những nơi đông người qua lại, bảng thông tin của thôn, họp tổ dân cư, phát động hưởng ứng cuộc Tổng điều tra trong các chi hội nông dân… nhằm xây dựng sự đồng thuận, ủng hộ và tích cực tham gia cuộc tổng điều tra của người dân.

 

Về tài chính và bảo đảm hậu cần, dự toán chi tiết các nội dung của cuộc điều tra, có tính đến đặc thù vùng miền cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho BCĐ các cấp trong quản lý, điều hành, sử dụng kinh phí; phân cấp cho các tỉnh mua sắm vật tư, văn phòng phẩm theo quy cách, định lượng do BCĐ trung ương quy định…

 

PV: Theo kế hoạch, công tác điều tra sẽ tiến hành trong 1 tháng, sau đó tổng hợp, phân tích số liệu. Vậy dự kiến đến thời điểm nào sẽ có đầy đủ các số liệu kết quả tổng điều tra, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Văn Liệu: BCĐ trung ương đặt ra mục tiêu thực hiện bằng được các mốc thời gian về công bố thông tin đã được nêu trong Phương án điều tra. Đó là, vào cuối năm 2011 sẽ có kết quả sơ bộ và vào quý III năm 2012 sẽ có kết quả toàn bộ.

 

Như vậy, nếu so với kỳ tổng điều tra năm 2006 thì sẽ rút ngắn thời gian công bố kết quả được 6 tháng.

 

PV: Xin ông cho biết kết quả tổng điều tra sẽ góp phần như thế nào trong việc hoạch định chính sách phát triển nông thôn, nông nghiệp trong thời gian tới?

 

Ông Nguyễn Văn Liệu: Chắc chắn là kết quả tổng điều tra sẽ góp phần quan trọng trong việc hoạch định chính sách phát triển nông thôn, nông nghiệp trong thời gian tới. Trước hết đó là vì khi bắt đầu chuẩn bị cuộc tổng điều tra, BCĐ Tổng điều tra trung ương đã xác định rõ mục đích của cuộc tổng điều tra là nhằm thu thập thông tin cơ bản để thứ nhất phục vụ việc đánh giá tình hình và phân tích xu hướng biến động của nền sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản và đời sống của cư dân nông thôn, làm căn cứ để hoạch định chính sách phát triển sản xuất nền nông nghiệp toàn diện và nâng cao đời sống của cư dân nông thôn; thứ hai là phục vụ đánh giá việc thực hiện các chương trình mục tiêu về hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

 

Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng kết quả tổng điều tra chỉ thực sự có ý nghĩa khi về mặt nghiệp vụ thì thông tin đầu vào là chính xác, được xử lý tổng hợp theo đúng quy trình và được phổ biến rộng rãi, kịp thời đến người sử dụng. Còn về mặt tổ chức thì lực lượng và phương tiện tham gia được an toàn và kinh phí tổng điều tra được sử dụng đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả. Điều này phụ thuộc trước hết vào sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, chính quyền và BCĐ Tổng điều tra các cấp, sự tham gia vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể mà Hội nông dân, các Chi hội nông dân có một vai trò rất quan trọng.

 

Bên cạnh đó, cũng rất cần sự ủng hộ, đồng thuận của đối tượng điều tra và sự nỗ lực, nghiêm túc của các lực lượng tham gia vào cuộc điều tra gồm điều tra viên, tổ trưởng, giám sát viên và chỉ đạo viên.

 

Tôi tin tưởng rằng cuộc Tổng điều tra sẽ thành công tốt đẹp.

 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Hoàng Diên - Anh Khôi /Chinhphu.vn

Tệp đính kèm