Trong cuộc giao ban công tác tháng 7 và 7 tháng đầu năm của Bộ Công Thương sáng 1/8, đại diện Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã chỉ ra một số bất ổn trên thị trường xăng dầu. Đồng thời, họ cũng kiến nghị công tác điều hành của các Bộ cần có thông điệp rõ ràng, để DN khỏi lúng túng giữa chính sách điều hành và dư luận xã hội.
Bất ổn thứ nhất là tình trạng khi lỗ thì lượng bán hàng của Petrolimex tăng đột biến, nhưng khi có lãi thì lại giảm mạnh. Cụ thể, trong tháng 6, tháng 7, lượng tiêu thụ của đơn vị này chỉ bằng 64-65% so với tháng cao nhất của Quí I. Nếu vào tháng 2, Petrolimex bán hết 860.000m3, thì hiện chỉ ở mức 532.000m3.
Bà Đàm Thị Huyền - Phó Tổng Giám đốc DN này cho rằng: Tình hình này có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là do nhu cầu thực sự giảm. Và nguyên nhân thứ 2, đáng bàn hơn chính là việc khi lỗ thì các đầu mối khác giảm bán, cộng với tình trạng găm hàng. Thực tế này đã diễn đi diễn lại rất nhiều lần, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có cách giải quyết. Do chuyển giao giữa giai đoạn lỗ sang lãi, thị trường chững lại, khiến tồn kho của Petrolimex tăng mạnh, lên tới 40 ngày, vượt hơn 30% so với yêu cầu. Sau khi giãn, hoãn một số chuyến hàng và tăng tái xuất, hiện tồn kho của họ là 32 ngày.
"Giá xăng dầu thế giới đang tăng trở lại. Tại thời điểm ngày 1/8, giá bán trong nước so với giá cơ sở đang lỗ từ 400 - 600 đồng. Nếu như các Bộ không sớm có giải pháp, thì tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường sẽ lại xuất hiện. Đây là một bài toán rất nan giải"- bà Huyền kiến nghị.
Một vấn đề khác cũng được Petrolimex chỉ ra, là cách điều hành hiện nay đang khiến đối tượng trung gian là các đại lý xăng dầu được hưởng lợi nhuận cao một cách vô lý. "Do tồn kho lớn, trong khi hệ thống bán lẻ của họ chưa rộng, nhiều đầu mối xăng dầu phải tìm cách đẩy hàng về các đại lý. Muốn đẩy hàng, họ buộc phải tăng lợi nhuận, tăng chiết khấu cho đại lý, khiến khâu tiêu thụ trung gian hưởng lợi lớn" - bà Huyền cho biết.
Về những dư luận thời gian vừa qua khi giá xăng dầu thế giới giảm, nhưng không có DN trong nước nào giảm giá, đại diện đơn vị này thừa nhận: Đúng là trong tháng 6 có khả năng giảm giá xăng dầu. Tuy nhiên, DN "không thể giảm giá" do cách điều hành "không rõ ràng".
"Quí I chúng tôi lỗ 2.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính đã hứa sẽ có phương án giải quyết số nợ này, tuy nhiên lại không nói rõ là cách nào. Chúng tôi không hiểu liệu có phải là lấy lãi tích lũy của giai đoạn sau bù cho giai đoạn trước hay không, nên không thể giảm giá" - bà Huyền cho biết
Theo Vũ Hân CAND Online