Phát huy thành công của năm 2011, với việc lần đầu tiên Việt Nam đạt kim ngạch xuất nhập khẩu trên 200 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khối ASEAN về kim ngạch ngoại thương, Việt Nam sẽ tập trung giải quyết tốt 5 giải pháp để hoạt động xuất nhập khẩu thu về những kết quả khả quan hơn nữa.
Điều này được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định khi trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Phóng viên (PV): Hoạt động xuất khẩu được ghi nhận là điểm nổi bật của nền kinh tế nước ta trong năm 2011, xin Bộ trưởng đánh giá chung về tình hình xuất nhập khẩu trong năm qua?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Năm 2011, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hoạt động xuất khẩu của chúng ta vẫn phát triển mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo số liệu chính thức của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2011 đạt 96,91 tỷ USD, tăng 34,2% so với năm 2010, cũng là mức cao nhất từ trước tới nay. Nhập khẩu cả năm 2011 đạt 106,75 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đạt kim ngạch xuất nhập khẩu trên 200 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khối ASEAN về kim ngạch ngoại thương.
Việc xuất khẩu tăng trưởng mạnh có phần đóng góp của các nhóm mặt hàng, của cả lượng và giá, của các thị trường xuất khẩu. Năm 2011, chúng ta đã có thêm 2 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (túi xách, va li, mũ, ô, dù và sản phẩm sắt thép), nâng tổng số mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD lên 22 mặt hàng, trong đó có 5 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỉ USD, gồm: Hàng dệt may, dầu thô, thủy sản, giày dép, điện thoại di động và linh kiện.
Do tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu (nhập khẩu tăng 25,8%), nên cán cân thương mại của Việt Nam năm nay được cải thiện rõ rệt. Nhập siêu được kiềm chế ở mức khoảng 9,84 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu ở mức 10,16%, thấp nhất trong 10 năm qua và thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội (18%) và chỉ tiêu phấn đấu của Chính phủ (16%).
PV: Xin Bộ trưởng cho biết mục tiêu xuất khẩu năm 2012? Trước mắt, Bộ Công Thương sẽ ưu tiên tập trung vào những vấn đề gì?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Hoạt động xuất khẩu của chúng ta trong năm 2012 có thể sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức hơn năm 2011. Bên cạnh những khó khăn ở trong nước về lạm phát, lãi suất ngân hàng cao, khả năng tiếp cận vốn hạn chế của năm 2011 tuy từng bước được khắc phục, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, thì những khó khăn từ thị trường thế giới và nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới có thể xảy ra sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam. Cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng lan rộng với cường độ mạnh hơn tại Khu vực đồng tiền chung Châu Âu, bắt đầu từ Hy Lạp và lan rộng sang các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia và kể cả những nước có nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới như: Đức và Pháp cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi của cuộc khủng hoảng này.
Tại Nghị quyết của kỳ họp lần thứ 2 Quốc hội khóa XIII, đã thông qua chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 tăng 13%. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu năm 2012 phải đạt khoảng 108,8 tỷ USD, tăng khoảng 12,5 tỷ USD về giá trị tuyệt đối.
Trong bối cảnh hiện nay, việc đạt được chỉ tiêu này có thể gặp nhiều khó khăn vì: Thứ nhất, giá cả hàng hóa khó có thể tăng trong năm 2012 do nhiều mặt hàng trong nhóm nông, lâm, thủy sản, nhiên liệu và khoáng sản đã tăng cao trong năm 2011; thứ hai, kinh tế thế giới có thể rơi vào khủng hoảng sẽ khiến cho nhu cầu tiêu dùng và giá hàng hóa trên thị trường thế giới giảm sút; thứ ba, những khó khăn từ trong nước như: lạm phát, lãi suất cao,... sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến việc mở rộng và đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp.
Trước những diễn biến mới của tình hình kinh tế thế giới, để thực hiện được các mục tiêu và nhiệm vụ đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu mà Quốc hội đã đề ra trong năm 2012, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, tập trung vào 5 điểm chính:
Thứ nhất, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng nhà nước Việt Nam,... đề xuất với Chính phủ các giải pháp với cam kết để hỗ trợ thiết thực và phù hợp đối với đặc thù, yêu cầu của từng ngành hàng xuất khẩu, nhằm phát huy hơn nữa khả năng thâm nhập thị trường thế giới, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả xuất khẩu của các sản phẩm có lợi thế như các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp chế biến.
Thứ hai, chủ động phối hợp với Bộ Tài chính triển khai có hiệu quả Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận với nguồn vốn tín dụng xuất khẩu, giảm bớt khó khăn về vốn trong bối cảnh tình hình tài chính, tín dụng còn nhiều khó khăn;
Thứ ba, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng tập trung phát triển sản phẩm xuất khẩu mới có lợi thế cạnh tranh, không bị hạn chế về thị trường xuất khẩu và sản xuất các mặt hàng đáp ứng nhu cầu trong nước;
Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhằm bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu;
Thứ năm, tổ chức hiệu quả, đồng bộ hoạt động thông tin, dự báo tình hình thị trường trong nước và thế giới để giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro và thâm nhập thị trường hiệu quả; tận dụng cơ hội từ các FTA.
PV: Trước tình hình khủng hoảng nợ công ở châu Âu vẫn đang tiếp diễn, xuất khẩu năm 2012 có bị ảnh hưởng và gặp khó khăn gì? Xin Bộ trưởng cho biết phương hướng khắc phục?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng có diễn biến xấu ở Châu Âu và chúng ta không thể chủ quan về những tác động của nó đối với xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Năm 2009, khi cuộc khủng khoảng kinh tế tài chính toàn cầu xẩy ra, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 8,9%, trong đó, xuất khẩu vào thị trường EU có mức giảm mạnh nhất 13,7%, trong khi đó, thị trường Hoa Kỳ - tâm của khủng hoảng tài chính thì xuất khẩu của Việt Nam chỉ giảm có 4,3%.
Khủng hoảng kinh tế châu Âu làm hầu hết nhà nhập khẩu bị ảnh hưởng về dòng vốn, các ngân hàng thắt chặt tín dụng. Nhiều doanh nghiệp lớn bị hạ thấp định mức vay, đối với doanh nghiệp thuộc tốp nhỏ hơn thì bị ngưng.
Hiện nay, chúng ta đang xuất khẩu sang EU nhiều mặt hàng như: Thủy sản, cà phê, hạt tiêu, dệt may, giày dép… Đây là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nên dù khủng hoảng có xảy ra thì nhu cầu tiêu dùng sẽ không giảm nhiều, nhưng giá các hàng hóa nhiều khả năng sẽ giảm và như vậy sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của chúng ta.
Để giảm thiểu rủi ro sang các thị trường này, các doanh nghiệp nên thường xuyên rà soát lại công nợ, khách hàng và kiểm soát các điều khoản hợp đồng chặt chẽ. Ngoài ra, bên cạnh những thị trường truyền thống, các doanh nghiệp cũng nên khai thác nhiều hơn nữa tiềm năng mậu dịch biên giới. Hiện các thị trường sát nách như: Lào, Campuchia, Trung Quốc đang đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, Việt Nam chưa tận dụng được hết tiềm năng xuất khẩu vào thị trường này.
Trước những diễn biến mới của tình hình kinh tế thế giới, để thực hiện được các mục tiêu và nhiệm vụ đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2012, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động cập nhật thông tin thế giới và trong nước, nắm bắt thời cơ, khắc phục khó khăn, phản ánh kịp thời với các cơ quan nhà nước những khó khăn ngoài tầm giải quyết của mình, phấn đấu đẩy mạnh xuất khẩu.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Kim Dung/Báo điện tử ĐCSVN