Cập nhật: 06/03/2009 00:39:31 Article Rating
Xem cỡ chữ

- Trao đổi với VietNamNet chiều 3/3, Bộ trưởng Lao động - Thương Binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay sẽ không thể tạo mới 1,7 triệu việc làm trong năm nay như mục tiêu dự kiến, do khó khăn của khủng hoảng kinh tế.

Thưa Bộ trưởng, Bộ đã có con số thống kê chính thức về tình trạng lao động thất nghiệp, mất việc làm do ảnh hưởng suy thoái kinh tế?

 

- Bộ đang tập hợp. Bây giờ phải chờ các tỉnh vì Bộ không thể đi từng nhà máy mà phải dựa vào hệ thống các tỉnh báo cáo lên thì mới có con số thống kê về lao động thất nghiệp, mất việc làm.

 

Tuy nhiên, con số báo cáo có khi chỉ biết người mất đầu việc này thôi, còn tìm được việc đầu khác thì chúng ta lại chưa thống kê được. Lao động mình tự do, không có đăng ký, đang làm việc ở khu công nghiệp này, mai mốt mất việc ở đây, sau đó về quê nghỉ, khoảng một tháng sau lại tìm việc ở nơi khác.

 

Địa phương chịu trách nhiệm

 

Có lo ngại tình trạng các doanh nghiệp có thể nhân cơ hội khủng hoảng cho nghỉ việc hoặc sa thải lao động không đúng luật lao động. Ý kiến của Bộ trưởng?

 

- Luật quy định rất rõ trách nhiệm của chủ sử dụng lao động khi người lao động mất việc làm. Nếu ông chủ doanh nghiệp cố tình không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vấn đề ở đây là làm sao chúng ta biết được doanh nghiệp nào chưa làm đúng nếu như người lao động không khiếu nại? Khi người lao động khiếu nại thì người ta mới biết được là doanh nghiệp A hay B cố tình không thực hiện đúng quy định của pháp luật.

 

Bộ có chủ trương rà soát thực tiễn này không?

 

- Ở chức năng quản lý nhà nước, Bộ luôn đề nghị phải thực hiện theo đúng pháp luật. Bộ có chủ trương nhưng để thực hiện điều đó lại nằm ở các địa phương chứ không phải Bộ đi về để giải quyết một việc cụ thể ở doanh nghiệp. Phải phân biệt chức năng quản lý nhà nước của một bộ trung ương khác với chức năng quản lý nhà nước ở địa phương.

 

Chức năng quản lý ngành phải xây dựng một hành lang pháp lý, chính sách, chủ trương, rồi hướng dẫn, triển khai, chỉ đạo triển khai việc đó. Tổ chức thực hiện do bộ máy chính quyền địa phương, anh phải chịu trách nhiệm giám sát việc làm đó trên địa bàn của mình, chứ không thể nói tại sao doanh nghiệp đó, ở tỉnh đó mà Bộ Lao động không giải quyết được.

 

Khó khăn ngoài ý muốn chủ quan

 

Thưa Bộ trưởng, có ý kiến nghi ngờ tính khả thi của mục tiêu tạo mới 1,7 triệu việc làm trong năm 2009 trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Nhận định của Bộ trưởng?

 

Năm nay rất khó khăn. Điều này rất dễ hiểu. Tăng trưởng kinh tế đề ra từ 6 đến 6,5% chúng ta chưa biết có khả năng đạt được không. Những chỉ tiêu đi kèm theo đó chắc chắn sẽ bị tác động, ảnh hưởng. Điều này nằm ngoài dự đoán, thậm chí chúng ta đã dự đoán việc làm năm nay sẽ khó khăn hơn năm 2008.

 

Tôi chắc rằng năm nay sẽ không đạt được mục tiêu 1,7 triệu việc làm mới. Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu nhưng có những chỉ tiêu không tiên liệu được do nằm ngoài ý muốn chủ quan. Nhiều nền kinh tế mạnh như Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn lao đao, thậm chí tăng trưởng âm. Việt Nam cũng không nằm ngoài sự tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

 

Để giải quyết tình trạng lao động thất nghiệp, mất việc làm trong thời gian tới, chủ trương của Bộ là gì, thưa bà?

 

- Thứ nhất, Chính phủ chủ trương sẽ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn vẫn cố gắng duy trì sản xuất, tạo việc làm được vay vốn không lãi để trả lương cho người lao động.

 

Thứ hai, Nhà nước sẽ tăng bổ sung quỹ cho vay giải quyết việc làm của chương trình mục tiêu việc làm. Thứ ba, cho lao động vay vốn học nghề. Đối tượng này trước đây không nằm trong đối tượng cho vay nhưng bây giờ Chính phủ bỏ thêm vốn cho lao động vay học nghề, đào tạo lại để tìm việc làm khác. Nếu lao động có cơ hội làm việc ở nước ngoài thì cũng sẽ cho vay. 

 

Theo vnn.vn

Tệp đính kèm