Cập nhật: 07/06/2012 16:39:46 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện đã có 8 tỉnh xuất hiện dịch tai xanh chưa qua 21 ngày gồm Điện Biên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lai Châu, Hòa Bình, Lạng Sơn, Phú Thọ và Hà Nội. 

Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện dịch tai xanh trên lợn tại các tỉnh miền Bắc đang diễn biến hết sức phức tạp.

 

Tại Hà Nội dịch lợn tai xanh đã xuất hiện ở huyện Ba Vì, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây và đang có nguy cơ lây lan rộng. Trước tình trạng này, huyện Ba Vì đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi biện pháp phòng chống dịch, thành lập các chốt kiểm dịch động vật để hạn chế tối đa việc vận chuyển lợn bệnh ra vào địa bàn.

 

Tuy nhiên, tại xã đảo Minh Châu, xã đang có lợn bị chết hàng loạt, nhiều hộ chăn nuôi vẫn lén lút mổ lợn hoặc vận chuyển sang xã lân cận thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để bán. Họ thường vận chuyển trong đêm để tránh sự kiểm tra của chính quyền địa phương và ngành chức năng.

 

Chị Nguyễn Thị Thái, một người dân ở xã Minh Châu cho biết: “Có nhà ngày chết vài con. Tuy nhiên, mọi người vẫn đem bán sang Vĩnh Phú (Phú Thọ). Có người để cả con mang đi, có người cứ thế tự mổ ra bảo tự nhiện lợn chết, què, ốm  và bán tại chỗ”

 

Dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền phòng chống dịch bệnh và các biện pháp xử lý khi phát hiện ổ dịch nhưng người dân ở Minh Châu vẫn phớt lờ. Có hộ lại vứt lợn chết, xả nước thải chăn nuôi từ chuồng trại ra thẳng sông Hồng, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh ra diện rộng.

 

Ông Nguyễn Văn Cải, xóm 7 xã Minh Châu cho biết: “Do vi khuẩn nhiều, dòng sông bị ô nhiễm là một nguyên nhân gây dịch tai xanh ở đây. Như nhà tôi thì bị ảnh hưởng ít, nhưng có nhà thì lợn chết hết. Chết nhiều thì đào hố chôn, nhưng ít không đáng kể thì mang ra sông vứt bỏ”.

 

Người chăn nuôi lợn ở Minh Châu như đang ngồi trên đống lửa vì nghi ngờ lợn bị dịch tai xanh. Nếu như vậy, đàn lợn hơn 4.000 con của xã rất khó giữ.

 

Tuy nhiên, ông Chủ tịch xã Minh Châu Nguyễn Công Thành thì khẳng định: “Minh Châu thì không có dịch tai xanh. Hiện tượng lợn chết không rõ nguyên nhân là do thời tiết nóng đàn lợn không đảm bảo. Các hộ nuôi lợn sinh sản phải chủ động mua thuốc về phòng. Các chương trình được trạm thú ý và Chi cục Thú ý hỗ trợ các loại vaccine cho hộ dân tổ chức tiêm phòng tổng vệ sinh môi trường mỗi tháng 2 lần đặc biệt là các hộ chăn nuôi”.

 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Phú Thọ vừa tiếp tục công bố dịch tai xanh bùng phát tại 2 xã Thanh Đình, Kim Đức thành phố Việt Trì, sau khi đã công bố dịch bùng phát tại phường Vân Phú và Minh Nông thành phố Việt Trì ngày 4/6.

 

Như vậy, hiện toàn tỉnh Phú Thọ có hơn 360 con lợn mắc bệnh ở 40 gia đình, ngành chức năng tỉnh đang tích cực tiêu độc khử trùng ở các vùng xảy ra nhằm khống chế không lây lan sang các vùng khác.

 

Ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phú Thọ cho biết: “Chúng tôi tiêu hủy gia súc mắc bệnh theo đúng qui định 80, tổ chức tiêm phòng vaccine tai xanh thẳng vào ổ dịch; thực hiện việc quản lí giám sát chặt chẽ các hộ chăn nuôi trên địa bàn các xã có dịch. Đồng thời, thực hiện việc khử trùng tiêu độc toàn bộ các hộ chăn nuôi trên địa bàn các xã có dịch, vùng đệm, vùng dịch bị uy hiếp. Lập các chốt ở các xã có dịch và nghiêm cấm việc buôn bán giết mổ vận chuyển lợn trong vùng dịch ra ngoài các vùng khác”.

 

Tại Lạng Sơn, theo Chi cục Thú y tỉnh, đến thời điểm này toàn tỉnh có gần 200 con lợn bị mắc bệnh tai xanh tại 44 hộ tại huyện Văn Quan; trong đó có 20 con lợn đã chết và được tiêu hủy theo đúng quy định. Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng hỗ trợ 10 nghìn liều vắc xin tai xanh cho tỉnh Lạng Sơn để triển khai tiêm phòng bao vây ổ dịch.

 

Ông Nông Ngọc Tăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Trên địa bàn tỉnh chúng tôi có lực lượng thú y viên cơ sở, mỗi xã có một người. Tại địa bàn quản lý, dù chỉ hai xã Bình Phúc và Xuân Mai xảy ra dịch tai xanh nhưng chúng tôi đã tập hợp toàn bộ lực lượng thú y viên và phát động đoàn thanh niên tham gia tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vaccine cho toàn bộ đàn lợn ở vùng dịch. Bao vây từ ngoài vào trong, chỉ 2 xã xuất hiện nhưng chúng tôi tiêm cả 6 xã. Đồng thời tiến hành lập phác đồ điều trị cho những con lợn để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế”.

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho rằng, dịch đang diễn biến khó lường, các tỉnh đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc là những tỉnh có ổ dịch nên nguy cơ bùng phát dịch là rất cao.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cấp hết cho các tỉnh 500.000 liều vaccine dự trữ quốc gia để phòng, chống dịch nhưng do tốc độ lây lan dịch nhanh nên vẫn không đủ. Mới đây nhất, Chính phủ đã đồng ý cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhập bổ sung 300.000 liều vaccine để phòng, chống dịch tai xanh. Dự kiến cuối tháng 6/2012, số vaccine này sẽ về tới Việt Nam./.

 

 

 

Theo Ngọc Thạch – Hoài Lam - Như Trang/VOV Online

Tệp đính kèm