Cập nhật: 10/12/2008 16:27:11 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo nghiên cứu của cơ quan chức năng thủ đoạn các đối tượng buôn người ngày càng tinh vi. Chúng không dừng ở các vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em. Ðã có thêm những thủ đoạn mới, chúng buôn bán cả đàn ông và buôn người để mua bán nội tạng.

Khi nói về những diễn biến mới của nạn buôn bán người tại Việt Nam, bà Ðỗ Thị Thanh Mai - Tổ chức Liên hợp quốc về chống buôn bán người khu vực tiểu vùng sông Mê Công đã lưu ý: "Một số hình thức hoặc phương thức buôn người có chiều hướng tăng ở Việt Nam. Gần đây là kết hôn với người nước ngoài thông  qua môi giới sau đó bị bán ở nhà chứa trá hình  hoặc  bị bóc lột như nô lệ tại các cơ sở sản xuất ở nước ngoài. Buôn bán nam giới  đã xuất hiện với thủ đoạn hứa hẹn việc làm có thu nhập cao. Sau đó, chúng bán họ cho các chủ lao động. Các đối tượng buôn người đã lừa gạt họ đi lao động  nước ngoài thông qua con đường môi giới lao động chính thức và không chính thức. Hình thức cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, cũng là  khả năng dẫn đến buôn bán người và cuối cùng là buôn bán người phục vụ  mục đích cho các đường dây mua bán nội tạng. Các hình thức này đã được đề cập trong nghị định thư bổ sung trong phòng, chống buôn bán người từ rất lâu rồi. Nhưng đến nay, hiện tượng này mới được đề cập tại Việt Nam.

Những điều mà bà Thanh Mai nêu cũng đã được ngành công an khẳng định: Thực tế gần đây, tội phạm buôn bán người ở Việt Nam đã nổi lên một số thủ đoạn mới, tinh vi, nguy hiểm và mất nhân tính hơn nhiều.

Trước hết phải kể đến tình trạng buôn bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai xảy ra ở khá nhiều địa phương thời gian qua. Thí dụ, ngành công an đã phát hiện ba vụ ở Hà Nội, bốn vụ ở Quảng Ninh, một vụ ở Sóc Trăng... Thủ đoạn của bọn buôn người là sử dụng "vệ tinh" lân la tới các vùng quê, vùng sâu, vùng xa, phát hiện những phụ nữ hoặc gia đình có trục trặc, khó khăn về kinh tế, nhưng lại lỡ có thai hoặc sinh con  ngoài ý muốn để dụ dỗ đặt mua với giá rẻ, sau đó thu gom đưa lên các tỉnh biên giới để đem bán ra nước ngoài. Ðiển hình là vụ việc Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã phát hiện nhiều mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán trẻ sơ sinh xuyên Việt. Theo lời khai của các đối tượng, có gần 40 em

bé bị đưa từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội rồi chuyển qua nước ngoài. Theo Thứ trưởng Công an Lê Thế Tiệm: "Từ vụ việc này, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an các tỉnh, thành phố đề phòng trường hợp bọn tội phạm đột nhập nhà người dân bắt trẻ em đem đi buôn bán. Ðồng thời, tăng cường các biện pháp tuyên truyền để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác". Song, điều đáng lo ngại là biểu hiện phức tạp của loại tội phạm này  không chỉ buôn bán trẻ sơ sinh mà chúng còn buôn bán theo dạng đưa phụ nữ đang mang thai sang bên kia bên giới để sinh con rồi mua bán trẻ. Với hình thức này thì theo cơ quan chức năng, việc truy tố là rất khó khăn.

Trước nay, cứ nói đến tình trạng buôn bán người là người ta nghĩ ngay đến chuyện buôn bán phụ nữ, trẻ em nhưng gần đây, đã xuất hiện tình trạng đàn ông bị lừa bán và đang có chiều hướng gia tăng. Tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, hai đối tượng nữ đã lừa năm nam thanh niên là người dân tộc thiểu số bán cho chủ lò gạch huyện Dương Hà, tỉnh Tây Giang (Trung Quốc). Hay như vụ Ðỗ Thị Hồng, ở Quảng Ninh đã lừa thanh niên Nguyễn Văn H, trú tại Hải Dương bán sang Trung Quốc. Chỉ khi anh H trốn thoát về Việt Nam, hành vi của thị Hồng mới bị tố cáo.

 Thời gian qua, cũng đã xuất hiện đường dây buôn bán nội tạng. Những người đem bán nội tạng sang các bệnh viện của Trung Quốc hầu hết lại bán cho chính người Việt. Rất nhiều trường hợp sau khi đã bán một phần cơ thể thì sức khỏe suy giảm, thậm chí bị tử vong. Như vụ buôn bán nội tạng người do đối tượng Nguyễn Văn Tám, trú tại Long Phú, Sóc Trăng cầm đầu đã lừa hàng chục thanh niên tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Ninh Thuận... sang Trung Quốc bán thận, trong đó có Tô Công Luân, 20 tuổi, sinh viên trú tại Ninh Phước, Ninh Thuận đã tử vong sau khi về Việt Nam khiến chúng ta hết sức phẫn nộ và đau lòng

Với những thủ đoạn lừa đảo mới của bọn tội phạm như vậy thì rõ ràng, công tác tuyên truyền phòng, chống buôn bán người phải được chú ý để giúp đông đảo người dân đề cao cảnh giác. Thế nhưng, ngay cả hai hình thức buôn bán người trá hình phổ biến nhất đã được nhắc đến khá nhiều qua hình thức kết hôn với người nước ngoài và xuất khẩu lao động thì công tác truyền thông dường như vẫn chưa đạt được kết quả là bao nhiêu. Mới đây, ngày 3-11-2008, Công an TP Hồ Chí Minh  lại phát hiện tại địa bàn quận 8 một vụ môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức cho bảy người đàn ông Hàn Quốc xem mặt 161 cô gái Việt, tuổi từ 18 đến 32, hầu hết ở các tỉnh miền tây. Khi đưa tin về vụ việc này, báo Phụ nữ  TP Hồ Chí Minh cũng nêu: "Nhiều cô gái đã tỏ ra "không vui" vì bị mất cơ hội...". Ðiều đó có nghĩa, vì mong muốn được đổi đời, nhiều phụ nữ  trẻ vẫn không quan tâm những rủi ro có thể xảy đến.

Một vấn đề nữa đặt ra trong công tác truyền thông là liệu những tuyên truyền của các ban, ngành chức năng, đoàn thể có liên quan đã đến được với những người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, đến được với những người có trình độ học vấn thấp hay chưa hoặc là đã đến nhưng kết quả không nhiều.                                                         

Trước thực trạng tình hình buôn người ở Việt Nam chưa giảm mà còn có biểu hiện phát triển phức tạp, đại diện cho tổ chức nước ngoài có rất nhiều hoạt động hỗ trợ Việt Nam trong việc phòng, chống nạn buôn người, bà Kim Ninh, Trưởng đại diện Quỹ châu Á cho rằng: "Các chương trình đấu tranh và ngăn ngừa cần phải đáp ứng được những thay đổi về diễn biến của nạn buôn người. Do đó, việc điều chỉnh hay tăng cường các hoạt động cần thiết là trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể có liên quan".

Từ thực tế xuất hiện tình trạng buôn bán nam giới, Phó Vụ trưởng Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp Nguyễn Công Hồng nêu khó khăn: "Pháp luật hình sự hiện hành mới chỉ chú trọng đến việc nghiêm trị các hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em. Chính vì vậy mà đến nay, chúng ta chưa có cơ sở pháp lý để trừng trị hành vi mua bán nam giới từ đủ 16 tuổi trở lên". Như vậy, đây là một trong những vấn đề cần điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Nhưng điều quan trọng trước những thay đổi và diễn biến phức tạp của nạn buôn bán người là chúng ta phải chú trọng tới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, không chỉ là tăng cường mà phải chú ý đến hiệu quả của nó.

Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam  đã được Chính phủ giao cho trách nhiệm thực hiện đề án "Tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em" chắc hẳn càng phải lưu ý đến điều này.

 

Theo ND

Tệp đính kèm