Cập nhật: 27/09/2010 16:30:23 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tài năng cũng có nhiều mức độ, vì thế khó có thể thể xác định một mức độ nào đó để phân biệt giữa người tài năng và người không tài năng hay bình thường. Do đó vấn đề là làm sao phát hiện và phát triển tài năng trẻ ở nhiều cấp bậc, nhiều mức độ, nhiều thời điểm khác nhau.

Nhiệm vụ của hệ thống giáo dục là phát triển nguồn nhân lực cho quốc gia. Những học sinh giỏi tự nhiên xuất hiện trong mọi lớp học. Có những sinh viên giỏi được phát triển từ những học sinh giỏi, nhưng cũng có những sinh viên giỏi xuất hiện muộn màng ở những năm cuối đại học hay ở bậc trên đại học.

 

Ðã có một thời mà hầu hết những người tài năng nhất khi trưởng thành đều có một quá trình phát triển tự nhiên từ những người tài giỏi thuở nhỏ ở các bậc tiểu học, trung học và đại học. Thời nay quá trình phát hiện và phát triển tự nhiên đó ở trường học hình như không còn được tin cậy nữa. Học sinh, sinh viên loại trường chuyên lớp chọn được hưởng những nguồn đầu tư lớn và những đãi ngộ chênh lệch quá đáng so với học sinh, sinh viên trường lớp thường, trong khi việc tuyển chọn chưa chắc chính xác và khách quan, mà kết quả cống hiến khi trưởng thành của những học sinh sinh viên trường chuyên lớp chọn cũng chẳng có gì nổi bật so với những tài năng xuất hiện sau này của học sinh, sinh viên trường lớp thường.

 

Một nghi vấn đặt ra đối với hệ thống giáo dục nước ta là liệu nhóm tài giỏi nhất ở mỗi cấp học có tiếp tục phát triển thành nhóm tài giỏi nhất ở cấp học kế tiếp, và sau bậc đại học thì có trở thành nhóm tài năng nhất của thế hệ đó trong xã hội không? Bởi vì hệ thống giáo dục nước ta đang có vấn đề nên mới không tạo ra sự tin cậy của xã hội đối với việc phát hiện và phát triển tài năng trẻ đó.

 

Những biện pháp bổ sung từ các tổ chức đoàn thể liệu có thật sự phát hiện và phát triển tài năng trẻ không, hay cũng chưa chắc chính xác và khách quan giống như hệ thống giáo dục vậy. Do đó giải pháp cơ bản và toàn diện đòi hỏi một cuộc cải tổ hệ thống giáo dục và hệ thống tuyển dụng nhân sự trên toàn quốc.

 

Trước hết phải cải tổ việc tuyển dụng và đề bạt nhân sự để thể hiện việc trọng dụng nhân tài, trên cơ sở năng lực thật sự chứ không phải bằng cấp cao hay có quan hệ với người có quyền thế, hay những tiêu chuẩn chẳng liên quan gì đến năng suất lao động và sức sáng tạo của người đó. Việc cải tổ này phải thể hiện được tinh thần "coi trọng nhân tài như nguyên khí quốc gia". Việc cải tổ này phải được bắt đầu ở nhân sự cấp cao - vì chỉ có người tài năng cấp trên mới biết sử dụng người tài năng cấp dưới.

 

Căn bản hơn hết là phải cải tổ hệ thống giáo dục mà chủ yếu là chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và thi cử để rèn luyện và phát triển năng lực lý luận, óc suy nghĩ độc lập sáng tạo cũng như thúc đẩy việc bộc lộ ý tưởng và cá tính của học sinh, sinh viên thay vì nhồi nhét cho họ, bắt họ học vẹt. Học tập là một quá trình thể hiện ra chứ không phải nhồi nhét vào. Phương pháp quan trọng nhất của giáo dục luôn luôn gồm những gì nhằm khuyến khích học sinh, sinh viên thực hiện thật sự để bộc lộ tài năng.

 

Một hệ thống giáo dục phải rộng lượng cho giới trẻ thăm dò khả năng của mình, chọn ngành học và dễ dàng quay lại khi thấy nhầm để thử trường khác, chọn ngành học khác phù hợp hơn, mà không phải trả giá quá đắt như hiện nay. Có nhiều người bộc lộ tài năng khi chuyển sang một lĩnh vực chuyên môn phù hợp với năng lực đặc biệt của mình.

 

Cải tổ hệ thống giáo dục cũng đòi hỏi việc cải tổ chính sách nhân sự để những người tài năng xuất hiện ở các cấp lãnh đạo trong hệ thống giáo dục - vì chỉ có người tài năng cấp trên mới biết sử dụng người tài năng cấp dưới, và chỉ những thầy cô tài năng mới biết phát hiện và phát triển học trò tài năng trong lĩnh vực của họ.

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm