Theo hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực (THTT, HSTC)” năm học 2011-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu xây dựng ở mỗi cấp học các mô hình THTT, HSTC phù hợp với điều kiện ở từng vùng của địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các sở Giáo dục và Đào tạo tập trung đổi mới phương pháp dạy và học; chú trọng áp dụng các phương pháp dạy và học có hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ hiện đại khác; xây dựng các mô hình nhà trường đổi mới phương pháp dạy học hiệu quả ở các cấp học để nhân rộng trong năm học tới.
Tiếp tục triển khai giáo dục kĩ năng sống theo chương trình “Tăng cường kỹ năng sống qua một số môn học và hoạt động giáo dục ở phổ thông” của Bộ Giáo dục và Đào tạo và vận dụng phù hợp với điều kiện ở mỗi địa phương.
Đồng thời, đưa văn hóa dân gian, trò chơi dân gian phù hợp vào nhà trường. Tăng cường tính tích cực của học sinh thông qua việc nâng cao khả năng tự học, sự tham gia chủ động, tích cực trong các câu lạc bộ học sinh, các hoạt động tập thể do nhà trường tổ chức.
Đặc biệt, các Sở cần phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các hoạt động, ngày di sản Văn hóa - Ngày Về nguồn 23/1; tuyên truyền và vận động cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên bầu chọn Vịnh Hạ Long là kì quan thiên nhiên mới của thế giới…
Được biết, sau 3 năm triển khai, phong trào xây dựng THTT, HSTC đã có sức lan tỏa rộng lớn, 63/63 tỉnh, thành phố tham gia, trong đó 54/63 tỉnh thành phố có 100% cơ sở giáo dục tham gia.
Trong nhà trường đã phát huy tính sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học thông qua phong trào áp dụng các sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp công nghệ của giáo viên được chú trọng và có tác dụng thúc đẩy chất lượng giáo dục của nhà trường. Việc sử dụng CNTT trong dạy học, hoạt động vui chơi là yếu tố mới thúc đẩy chất lượng giáo dục của một số nhà trường. Việc áp dụng các phương pháp dạy học như như bản đồ tư duy và nhiều phương pháp dạy học tích cực khác đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học cũng như tạo không khí thân thiện trong nhà trường, tạo động lực đẩy mạnh chất lượng giáo dục.
Các hình thức hoạt động ngoại khoá và câu lạc bộ của học sinh ở nhà trường bước đầu có hiệu quả, tạo sự hứng thú cho các em học sinh tham gia. Việc đưa trò chơi dân gian, hát dân ca và các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian khác vào trường học được hầu hết các nhà trường triên khai. Việc giáo dục truyền thống thông qua giao lưu, trao đổi, tham quan, chăm sóc các di tích lịch sử văn hoá, chăm sóc gia đình thương binh liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng được chú trọng và có hiệu quả thiết thực. Các em được học từ thực tiễn cuộc sống...
Theo Thanh Trúc/Chinhphu.vn