Cập nhật: 08/01/2013 09:50:09 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với quan niệm “thầy” là nhân lực có trình độ đào tạo đại học, cao đẳng, còn “thợ” là nhân lực trình độ trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề là những người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thì trong thực tế, chúng ta vừa thiếu, vừa thừa cả “thầy” lẫn “thợ”.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Bộ GD&ĐT cho rằng, đó là do chất lượng đào tạo một bộ phận nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của các đơn vị sử dụng. Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng miền chậm được khắc phục, chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực của xã hội. Công tác phân luồng và hướng nghiệp chưa mang lại hiệu quả cao. Dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp, nhưng không kiếm được việc làm, thiếu nhân lực có chất lượng.

 

Mặt khác do tâm lý khoa bảng và vị bằng cấp trong xã hội nên trong những năm qua nhu cầu học sinh đăng ký vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề giảm và số học sinh đăng ký vào học các trường đại học, cao đẳng vẫn duy trì ở mức cao. Ngoài ra, cơ chế tuyển dụng, đề bạt cán bộ, tuyệt đối hóa vai trò của bằng cấp, cũng làm cho tình trạng này nặng nề hơn.

 

Số liệu điều tra Lao động – Việc làm năm 2010 cho thấy, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề và trung cấp chuyên nghiệp đã giảm từ  5,3% và 5,6% (năm 2007) xuống 3,8%  và 3,5% (năm 2010). Trong khi đó tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên đã tăng từ 4,9% (năm 2007) lên 5,7% (năm 2010).

 

Trong những năm qua, các Nghị quyết Đại hội Đảng tiếp tục khẳng định giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đảng, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Ngành giáo dục, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đầu tư ngân sách, tạo điều kiện cho giáo dục và đào tạo phát triển. Nhờ đó, quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân; Chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo có tiến bộ; Công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục đã được cải thiện, đặc biệt người dân tộc thiểu số, con em các gia đình nghèo, trẻ em gái và các đối tượng thiệt thòi ngày càng được quan tâm; Công tác quản lý giáo dục có bước chuyển biến tích cực, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh về số lượng, nâng dần về chất lượng; Cơ sở vật chất nhà trường được cải thiện; Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục tăng nhanh, từ 15,3% năm 2001 lên 20% tổng chi ngân sách năm 2010; Các nguồn đầu tư cho giáo dục ngày càng được kiểm soát chặt chẽ và tăng dần hiệu quả sử dụng.

 

Dạy nghề đã được quan tâm nhiều hơn, nhiều dự án đã được triển khai, đặc biệt Đề án đào tạo nghề cho nông dân đang triển khai tich cực. Triển khai Nghị quyết XI của Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế”, ngày 19/4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 579/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020, Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 15/6/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 với mục tiêu trọng tâm là đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế...

 

Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT, để giải bài toán “thừa thầy, thiếu thợ” cần có những giải pháp tổng hợp, đồng bộ, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, của các Bộ, ngành, địa phương.

 

Bộ GD&ĐT đã và đang tích cực chỉ đạo việc thực hiện chủ trương “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không theo nhu cầu xã hội”, song, để giải quyết tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cả thầy lẫn thợ cần phải có sự vào cuộc của toàn xã hội. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp và đào tạo nghề, tạo sự cân đối trong cán cân lao động, chống lãng phí trong đầu tư cho giáo dục, nâng cao đời sống cho người lao động, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển. 

 

 

Theo Hiếu Nguyễn/GD&TĐ Online

Tệp đính kèm