Cập nhật: 06/10/2010 16:12:15 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những năm gần đây, nhiều dịch bệnh mới bùng phát và diễn biến rất phức tạp, như SARS, cúm gia cầm A (H5N1) trên người, cúm A (H1N1) đại dịch...

 

Ði đầu trong việc đối phó những bệnh dịch này là tập thể những người thầy thuốc của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTT.Ư). Họ luôn là người có mặt đầu tiên ở tất cả các "điểm nóng" để lấy mẫu bệnh phẩm, làm rõ căn nguyên, cơ chế lây truyền, từ đó đưa ra các biện pháp kiểm soát, khống chế dịch.

 

Phòng, chống dịch một cách chủ động

 

PGS, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện VSDTT.Ư cho biết: Công tác phòng, chống dịch của viện luôn tuân thủ nguyên tắc: Giám sát chủ động, chẩn đoán phát hiện sớm, can thiệp nhanh và tích cực. Hoạt động giám sát, trực dịch được duy trì 24/24 giờ nhằm đáp ứng nhanh với những tình huống khẩn cấp; các đội cơ động thường trực hằng ngày, luôn sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch tại thực địa. Ðến nay, trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố phía bắc, toàn bộ 24 bệnh truyền nhiễm và các bệnh mới phát sinh đều được giám sát chặt chẽ. Cán bộ chuyên môn của viện đã tham gia tích cực, có tinh thần trách nhiệm cao trong giám sát, điều tra dịch tễ và quản lý từng ca bệnh nguy hiểm tại các ổ dịch, thu thập thông tin, lấy mẫu bệnh phẩm. Nhờ hoạt động giám sát tốt, nên khi phát sinh ổ dịch mới đều được khoanh vùng, xử lý triệt để, không để lây lan rộng. Tiêu biểu như năm 2004 viện góp phần khống chế thành công dịch SARS; các năm 2006, 2007, 2008 khống chế thành công dịch cúm gia cầm A(H5N1) trên người; năm 2009 khống chế thành công dịch cúm A(H1N1). Ngoài ra, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm như bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm não Nhật Bản, HIV, tả, sốt xuất huyết, sởi, dại, tay chân miệng... cũng được khống chế và từng bước được hạ thấp tỷ lệ mắc và tử vong.

 

Một yếu tố quan trọng góp phần quan trọng vào thành công đó là việc viện đã triển khai nhiều đề tài, dự án khoa học công nghệ các cấp, trong đó có nhiều đề tài trọng điểm cấp nhà nước trong phòng, chống dịch bệnh. Riêng giai đoạn 2006-2009 đã có 56 đề tài, dự án hợp tác quốc tế được thực hiện. Trong đó nổi bật là các dự án hợp tác nghiên cứu phát hiện căn nguyên một số bệnh dịch nguy hiểm mới nổi và tái xuất hiện như cúm gia cầm A(H5N1), viêm não do vi-rút, tả... Viện đã xây dựng và đưa vào hoạt động bốn phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp ba (đầu tiên trong cả nước) và nhiều phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp hai, tòa nhà nghiên cứu các vi-rút lây truyền qua đường máu đã góp phần xác định sớm các tác nhân gây bệnh. Một hệ thống giám sát bệnh cúm trên toàn quốc được viện thiết lập, kết nối với hệ thống giám sát cúm toàn cầu đã, đang phát huy hiệu quả trong việc đối phó căn bệnh tưởng chừng đơn giản nhưng lại hết sức nguy hiểm này. Ðáng chú ý, viện dành nhiều ưu tiên cho một số trọng điểm như phát triển kỹ thuật chẩn đoán căn nguyên vi-rút; các kỹ thuật miễn dịch sinh học phân tử; phát triển vắc-xin thế hệ mới; ứng dụng kỹ thuật hiện đại trong giám sát và điều tra dịch tễ học như định vị địa lý toàn cầu (GPS); ứng dụng mô hình toán học và công nghệ thông tin trong dự báo dịch... Chính sự ưu tiên đó đã giúp viện thường xuyên cập nhật và tiếp cận được với khoa học công nghệ tiên tiến, góp phần khống chế và kiểm soát thành công nhiều dịch bệnh, khẳng định năng lực và uy tín của ngành y tế dự phòng Việt Nam trên thế giới.

 

Những "thám tử" tinh nhuệ

 

Ðóng góp quan trọng vào thành công đó phải kể đến những cán bộ của Khoa dịch tễ và nhất là các đội cơ động phòng, chống dịch. Họ được ví như những "thám tử" tinh nhuệ của công tác chống dịch. Họ là những người trực tiếp tham gia điều tra, lấy mẫu xét nghiệm và tham gia chống dịch tại các địa phương. Hiện nay, khi cần Viện VSDT có thể thành lập hàng chục đội phản ứng nhanh như thế. Với bác sĩ Nguyễn Quang Minh, ba năm qua, kể từ khi về nhận công tác tại Khoa dịch tễ (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) là giai đoạn anh trưởng thành nhiều về nghề nghiệp. Những khó khăn, vất vả và cả sự nguy hiểm đối với cán bộ phòng, chống dịch, anh đều được "nếm trải". Những chuyến công tác vào bất cứ lúc nào và đến bất kỳ đâu khi có lệnh đã là chuyện thường ngày. Lúc có mặt ở Thái Bình, Tuyên Quang để điều tra dịch tễ cúm gia cầm A(H5N1) trên người mắc, lúc lại có mặt ở Hà Nam, Hải Dương điều tra dịch tễ những ổ dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả, rồi đến Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An để hỗ trợ ngành y tế địa phương khắc phục hậu quả của lũ lụt...

 

Với những ổ dịch được điểm mặt, chỉ tên đã đành, nhưng thật sự những ổ dịch, bệnh chưa xác định rõ căn nguyên thì là cả một vấn đề, không chỉ cần tuổi trẻ, nhiệt huyết, khi đó những kinh nghiệm mới thật sự là bí quyết để hoạt động khống chế, dập dịch thành công. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tâm, điều quan trọng nhất đối với cán bộ giám sát dịch là phải để ý đến những điều nhỏ nhất khi vào ổ dịch. Ðó là kinh nghiệm, là nguyên tắc anh đúc rút được trong gần 30 năm làm công tác giám sát các ổ dịch, nhất là sau những lần tiếp xúc lấy bệnh phẩm. Anh là một trong những người đầu tiên đi lấy bệnh phẩm của dịch SARS và cúm gia cầm A(H5N1) trên người. Ðợt dịch lỵ trực trùng ở xã Ðức Hạnh, Bảo Lâm (Cao Bằng) mới đây cũng là một bài học quý, không chỉ đối với những người làm công tác dịch tễ tuyến trên mà còn cả đối với những cán bộ làm công tác y tế dự phòng tại địa phương cũng như việc xây dựng mạng lưới y tế sát dân. Lỵ không phải là bệnh mới, đã xuất hiện hàng trăm năm nay, tập trung chủ yếu ở những vùng có điều kiện vệ sinh môi trường kém và không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, khi đoàn công tác của viện lên đã tăng cường thực hiện chính sách "ba cùng", phối hợp ngành y tế địa phương, Bộ đội Biên phòng cắm chốt tại nơi có dịch và triển khai các biện pháp dập dịch. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, trong thời gian ngắn những người mắc bệnh được điều trị kịp thời và không phát hiện thêm người mắc mới...

 

Ngày nay, trong điều kiện giao lưu quốc tế trong nước ngày càng mở rộng, cùng với tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng tiêu cực của đô thị hóa và phát triển kinh tế, khó có thể lường trước được diễn biến của dịch bệnh, cho nên cuộc chiến với nó sẽ càng nóng bỏng và quyết liệt hơn. Ngoài sự cố gắng, nỗ lực của các nhà khoa học, các tổ chức chuyên môn kỹ thuật, công tác phòng, chống dịch đòi hỏi có sự tham gia tích cực và chủ động của các ngành, các cấp và các tổ chức xã hội. Hoạt động dự phòng toàn diện đòi hỏi phải được lồng ghép trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mọi người dân cần thay đổi nhận thức, không ỷ lại vào ngành y tế mà cần phải chủ động và hợp tác tích cực với cơ quan chuyên môn trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Ðồng thời, nâng cao ý thức tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho bản thân và cộng đồng bằng việc thực hiện tốt lối sống lành mạnh và vệ sinh môi trường.

 

 

 

 Theo báo Nhân Dân Online

 

Tệp đính kèm