Năm 2011, giới khoa học quốc tế đang kỳ vọng vào những bước đột phá mới, đặc biệt trong lĩnh vực thiên văn học và vi tính.
Một trái đất mới
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hi vọng với dữ liệu từ kính thiên văn không gian Kepler, con người sẽ tìm thấy những hành tinh có kích cỡ tương tự Trái đất trong vùng “ở được”. Năm 2010, các nhà thiên văn đã phát hiện hành tinh đặc biệt ngoài Hệ mặt trời: Gliese 581g, cách Trái đất 20 năm ánh sáng. Có kích cỡ gấp 3-4 lần Trái đất, Gliese quay quanh ngôi sao của nó trong khu vực “có thể ở được”, không quá lạnh và cũng không quá nóng. Điều kiện đó cho phép sự tồn tại của nước ở dạng lỏng, yếu tố quan trọng của sự sống.
Hàng không vũ trụ tư nhân cất cánh
Một thời đại không gian trôi qua khi NASA thực hiện chuyến bay tàu con thoi cuối cùng. Nhưng một thời đại khác đã sẵn sàng kế tiếp. Hãng du lịch không gian Virgin Galactic sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên của phi thuyền Spaceshiptwo, chở hai phi hành gia và sáu du khách lên vũ trụ. Giá của chuyến du lịch không gian này khoảng 200.000 USD. Hàng loạt công ty tư nhân khác như SpaceX, Orbital Sciences hay Sierra Nevada cũng đang chạy đua để nhảy vào thị trường vận chuyển thương mại phục vụ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Đua tìm “hạt của Chúa”
Cuối năm 2010, Tổ chức Nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN) thông báo sẽ dời kế hoạch tạm dừng hoạt động máy gia tốc hạt khổng lồ Large Hadron Collider (LHC) vào cuối năm 2012. Như vậy, LHC sẽ có đủ thời gian để truy tìm hạt Higgs, hạt tạo ra khối lượng cho vật chất và được mệnh danh là “hạt cơ bản của Chúa”. Máy gia tốc Tevatron của Phòng thí nghiệm máy gia tốc quốc gia Fermi (Mỹ) cũng đang ráo riết truy lùng hạt Higgs.
Vi tính lượng tử lên ngôi
Vi tính lượng tử sẽ cất cánh sau những tiến bộ vượt bậc về nghiên cứu trong năm 2010. Nguyên lý cơ bản của vi tính lượng tử là tính chất lượng tử của các hạt được sử dụng để mô tả cấu trúc dữ liệu, và các cơ chế lượng tử được dùng để thực hiện biến đổi trên dữ liệu. Nếu được triển khai trên diện rộng, máy tính lượng tử có thể giải quyết vấn đề nhanh gấp nhiều lần máy tính điện tử thông thường.
Đến sao Hỏa
Cuối năm 2011, NASA sẽ triển khai Sứ mạng phòng thí nghiệm khoa học sao Hỏa (MSL), đưa xe tự hành Curiosity lên sao Hỏa. Mục tiêu của MSL là xác định xem sao Hỏa có thể duy trì sự sống trong quá khứ hoặc hiện tại hay không. Xe tự hành nặng 750kg sẽ mang theo những thiết bị hiện đại bậc nhất nhằm nghiên cứu điều kiện môi trường, không khí và địa chất hành tinh đỏ.
Theo TuoiTre Online