Cập nhật: 06/03/2009 00:53:54 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trẻ bị phát ban đến khám tại bệnh viện Xanh Pôn.

Trong 2 tuần gần đây, số trẻ em bị bệnh phát ban dạng sởi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế tại Hà Nội đã tăng đột biến. Không chỉ có trẻ nhỏ, mà có cả trẻ lớn mắc bệnh, có nhiều trẻ đã tiêm phòng sởi rồi vẫn mắc bệnh.

Bệnh nhân đang quá tải

Khoa Truyền nhiễm - BV Nhi T.Ư đông nghẹt bệnh nhân. Hầu như giường bệnh nào cũng có tới 4 bệnh nhi. Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phải rải chiếu nằm la liệt trên lối đi, hành lang. Trẻ vào viện chủ yếu là mắc bệnh phát ban dạng sởi hoặc sởi đã có biến chứng nặng.

Chị Tuyết - ở huyện Hoài Đức có con 5 tuổi bị sởi, vào viện đã 3 ngày - nói: Tôi đã cho con tiêm phòng sởi đầy đủ từ lúc 9 tháng tuổi, nhưng không hiểu vì sao vẫn mắc sởi. Lúc cháu bị phát ban đầy người, tôi cứ nghĩ là bị sốt phát ban, nhưng 2 ngày sau thấy con ho nhiều, khó thở vội đưa đến khám ở BV huyện, các bác sĩ bảo bệnh nặng cho chuyển lên BV Nhi T.Ư ngay. Giờ cháu đã đỡ, nhưng vẫn thấy lo...".

Không chỉ có trẻ nhỏ, mà nhiều trẻ 8-10 tuổi cũng mắc bệnh phát ban dạng sởi dày đặc khắp người.

Tại khoa Nhi tổng hợp của BV Xanh Pôn, số bệnh nhân vào viện cũng tăng hơn so với trước, nhưng vẫn có đủ giường cho mỗi bệnh nhân. BS Phi Nga - Phó Trưởng khoa Nhi - cho biết, hiện khoa đang có 15 bệnh nhi mắc bệnh phát ban dạng sởi nằm điều trị chủ yếu là ở các xã, phường mở rộng của Hà Nội. Số trẻ mắc bệnh chủ yếu là trẻ nhỏ và đã được tiêm phòng sởi, chỉ một số trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến lịch tiêm. Có trẻ còn đang bú mẹ, mẹ bị phát ban dạng sởi  đã lây cho con.

Trẻ phải nằm viện chủ yếu đã có biến chứng viêm phổi, viêm hô hấp nặng. Tại phòng khám Nhi - BV Xanh Pôn, trung bình mỗi ngày có từ 500-600 bệnh nhân đến khám, trong đó số trẻ mắc phát ban dạng sởi chiếm 30-40% và số ca phải vào viện điều trị chiếm 5-10%. Theo đánh giá của BS Phạm Minh Thu - Trưởng phòng khám Nhi - BV Xanh Pôn, so với mọi năm, số trẻ mắc phát ban dạng sởi có tăng hơn cùng với sự gia tăng ở nhóm người lớn mắc sởi.

Cần sớm phát hiện các triệu chứng của biến chứng sởi

Để khẳng định có phải mắc sởi hay không, khi trẻ nhập viện thường tiến hành xét nghiệm máu,  khoa Nhi - BV Xanh Pôn đã gửi nhiều mẫu máu đến Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, nhưng vẫn chưa nhận được kết quả. Do vậy, chưa xác định được ca bệnh sởi nào. Bệnh nhân bị phát ban dạng sởi có biến chứng vào khoa đều được điều trị tích cực các triệu chứng viêm phổi, viêm hô hấp.

BS Phi Nga - Phó khoa Nhi - BV Xanh Pôn - cho biết, đến nay chưa có ca bệnh phát ban dạng sởi biến chứng nặng, khó điều trị. Sau 3-5 ngày dùng kháng sinh, các cháu đều hết các triệu chứng viêm nhiễm, các nốt ban bay dần và có thể ra viện.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, các bà mẹ và người chăm trẻ nên chú ý phát hiện sớm các triệu chứng mắc bệnh như: 3 ngày đầu có sốt viêm long đường hô hấp, nổi ban rải rác bắt đầu từ gáy, mặt, lan ra khắp người, các nốt ban dày đặc như sởi, có thể nghi ngờ mắc sởi, cần đến khám tại các cơ sở y tế. Còn các biểu hiện của biến chứng của sởi là: Sau phát ban có ho nhiều, sốt, khó thở, đau đầu...thì cần phải được điều trị tích cực tại bệnh viện. Nhiều bà mẹ có quan niệm sai lầm là bị sởi phải tránh nước, tránh gió, kiêng ăn thức ăn tanh...

 Khi trẻ có phát ban, cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ bằng nước ấm, mặc quần áo thoáng mát, đặc biệt chăm sóc kỹ răng miệng, ăn uống nhiều chất dinh dưỡng, không cần ăn kiêng. Cách phòng bệnh sởi tốt nhất cho trẻ là tiêm phòng vaccine sởi nhắc lại.

(Theo Lao động)
Tệp đính kèm