Trong tình hình dịch cúm A/H1N1 và sốt xuất huyết gia tăng nhanh như hiện nay thì khả năng bệnh nhân mắc đồng thời cả hai bệnh trên là rất lớn. Nếu cả hai bệnh cùng diễn biến nặng, có biến chứng thì sẽ rất khó khăn trong điều trị...
Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia hiện đang phải đối mặt với tình trạng quá tải trầm trọng do cùng thời điểm này bùng phát cả dịch cúm A/H1N1 và sốt xuất huyết, trong số đó rất nhiều ca sốt xuất huyết bị sốc (shock). Hai bệnh nhân mắc đồng thời cả cúm A/H1N1 và sốt xuất huyết đã được xuất viện. Theo TS. Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, nguy cơ lây nhiễm chéo sốt xuất huyết và cúm A/H1N1 xảy ra ngay tại gia đình, cộng đồng. Sẽ khó khăn khi điều trị nếu mắc cả hai bệnh này.
80% ca sốt xuất huyết nhập viện ở thể nặng
TS. Nguyễn Văn Kính cho biết, năm nay dịch sốt xuất huyết xảy ra ở các tỉnh phía Bắc, mà cụ thể Hà Nội là vùng tập trung của dịch thì tác nhân gây bệnh chủ yếu là typ huyết thanh Dengue 2. Đây là typ dễ gây shock nặng, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Có tới 80% bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, mức độ diễn biến của sốt xuất huyết được chia làm 4 độ từ nhẹ đến nặng và thái độ điều trị phải theo từng mức độ khác nhau.
Theo TS. Kính, diễn biến lâm sàng của sốt xuất huyết typ 2 rất phức tạp, trong 2 ngày đầu bệnh nhân sốt, mệt mỏi. Nhưng bước sang thời kỳ từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 là giai đoạn rất nguy hiểm, bệnh nhân sẽ mệt mỏi nhiều, sốt cao, đau tức vùng gan, có xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiểu cầu giảm dưới 50.000 đơn vị... Người bệnh thường chú ý nhiều hơn đến xuất huyết dưới da mà chủ quan với chảy máu cam và chảy máu chân răng vì những trường hợp này rất dễ dẫn đến chảy máu não, chảy máu tiêu hóa, chảy máu phổi... Biến chứng shock xảy ra rất nhanh trong giai đoạn này, người bệnh có nguy cơ bị suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu, điện giải, men gan tăng, xuất huyết các tạng... và có thể tử vong nhanh chóng.
Phác đồ điều trị sốt xuất huyết do Bộ Y tế ban hành vẫn phát huy hiệu quả, tuy nhiên do nguy cơ shock ở typ Dengue 2 là rất cao nên các chuyên gia không khỏi lo ngại sự khó khăn điều trị ở tuyến dưới. TS. Kính cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay là cần tập huấn điều trị chống shock cho các bác sĩ tuyến dưới.
Điều trị hai phác đồ trên bệnh nhân vừa mắc sốt xuất huyết vừa mắc cúm A/H1N1
Nguy cơ nhiễm cùng lúc nhiều loại virut
Theo các chuyên gia truyền nhiễm, trong tình hình 2 bệnh dịch nói trên đang bùng phát mạnh thì có thể xảy ra cùng lúc nhiễm cả hai loại virut dengue và cúm A/H1N1 nếu cơ thể chưa có kháng thể miễn dịch. Giai đoạn đầu, mặc dù sốt xuất huyết không có dấu hiệu viêm long đường hô hấp nhưng cả sốt xuất huyết và cúm A/H1N1 đều có sốt, mệt mỏi, đau nhức xương khớp nên có thể khó chẩn đoán phân biệt bằng lâm sàng. Người ta sẽ chú ý nhiều hơn đến cúm A/H1N1 mà dễ bỏ qua sốt xuất huyết. Nếu bệnh ở mức độ nhẹ thì không đáng lo ngại nhưng nếu cả hai cùng diễn biến nặng, có biến chứng viêm phổi ở cúm A/H1N1 và shock ở sốt xuất huyết thì sẽ rất khó khăn khi điều trị.
Trên thế giới đã có 7 trường hợp vừa mắc sốt xuất huyết vừa mắc cúm A/H1N1, trong đó 1 ca đã tử vong. Tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cũng ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên mắc phối hợp 2 bệnh này. Đó là một bệnh nhân nam 59 tuổi ở Thanh Trì - Hà Nội và một bệnh nhân nữ 32 tuổi ở Hoàng Mai - Hà Nội. Trước đó 2 bệnh nhân đều là người hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh mạn tính.
TS. Kính cho biết cả hai bệnh nhân này được xác định mắc đồng thời sốt xuất huyết và cúm A/H1N1 ngay từ phòng khám: "Đây là 2 trường hợp đầu tiên mắc cả virut Dengue và virut cúm A/H1N1 nên lúc đầu chúng tôi phân vân không biết nên để bệnh nhân nằm ở khu vực điều trị nào. Nhưng ngay sau đó chúng tôi quyết định cho 2 bệnh nhân điều trị ở khu vực các bệnh nhân cúm A/H1N1 do bệnh này lây trực tiếp còn sốt xuất huyết lây bệnh cần có vecto muỗi truyền bệnh. Để điều trị 2 bệnh nhân này chúng tôi sử dụng 2 phác đồ điều trị cho cúm A/H1N1 và phác đồ điều trị sốt xuất huyết. Việc kết hợp 2 phác đồ này không có gì đặc biệt, cũng chỉ là dùng kháng sinh chống bội nhiễm, truyền các chất điện giải và sử dụng tamiflu. Hiện 2 bệnh nhân đã ổn định và xuất viện".
Xu hướng dịch bệnh ra sao trong mùa đông?
Theo TS. Kính, hiện tại thời tiết đã chuyển sang mùa lạnh, do đó về lý thuyết lúc này các ca sốt xuất huyết sẽ giảm do mật độ muỗi sẽ ít dần đi nhưng hiện tại thì vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Nhưng khi không khí lạnh hơn và khô hơn thì chắc chắn dịch sẽ giảm mạnh do muỗi truyền bệnh không còn điều kiện phát triển mạnh như thời tiết nóng. Tuy nhiên, các bệnh đường hô hấp không chỉ có cúm A/H1N1 mà còn nhiều tác nhân khác như vi khuẩn phế cầu, vi khuẩn Hib, virut hợp bào, virut cúm mùa thông thường.v.v... sẽ có nhiều thuận lợi phát triển mạnh hơn trong mùa đông. Do vậy, nguy cơ mắc phối hợp các loại virut, vi khuẩn gây bệnh hô hấp là có thể xảy ra. Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng ngừa cá nhân và dinh dưỡng nâng cao thể trạng cần được chú ý, nên tiêm phòng những loại bệnh đã có vaccin phòng, đặc biệt là những người có nguy cơ cao.
Theo suckhoedoisong.vn