Ngay từ thời các Vua Hùng, nhân dân ta đã có tục "nhai trầu", vì sau khi nhai người ta lại nhả cả nước và bã đi. Trầu như là một phương tiện đầu tiên của những cuộc giao tiếp "miếng trầu là đầu câu chuyện".
"Miếng trầu", bao gồm tới 4 dược liệu khác nhau:
Lá trầu không có mùi thơm, cay đặc biệt của tinh dầu. Thứ hai là cau hay còn gọi là binh lang hay tân lang. Trong quả cau chứa nhiều thành phần khác nhau, như tanin, các chất béo, các chất đường... Kế đến là một miếng "vỏ", là vỏ rễ còn tươi, có mau hồng đỏ của cây chay. Trong vỏ chủ yếu là thành phần tanin. Sau cùng là một chút vôi tôi là một chất kiềm.
Tác dụng trị bệnh của "miếng trầu"!
- Từ lá trầu không, nhất là thành phần tinh dầu có tác dụng kháng sinh rất mạnh với tụ cầu vàng liên cầu tan máu và hàng loạt các loại vi khuẩn khác... Trầu không có tác dụng chống co thắt trên mô cơ trơn, ức chế sự tăng quá mức của nhu động ruột... Trên thực tế, người ta sử dụng dịch chiết nước của lá trầu không để ngậm trị viêm răng, lợi, đau răng, nhất là bệnh nha chu viêm. Dùng nước đun sôi để nguội của lá trầu rửa các mụn ngứa, các vết thương... Cuống lá trầu, chỉ cần một cuống, ngắt ra, đặt dọc ở huyệt ấn đường, sẽ làm hết nấc ở trẻ em. Nước mầu đỏ khi nhai miếng trầu, bôi vào các nốt "chàm" ở trẻ sơ sinh, cũng có tác dụng tốt. Lá trầu hơ nóng chườm vào vùng chung quanh rốn trị đau bụng ở trẻ em...
Cau trong "miếng trầu", thực chất lại được sử dụng tới hai vị thuốc của quả cau; đó là vị "binh lang", tức phần hạt của quả cau (Semen Arecae catechi) và đại phúc bì (Pericarpium Arecae catechi) phần vỏ day của quả cau. Cả hai bộ phận này đều chứa alcaloid, có tác dụng làm tê liệt các cơ của con sán dây trong ruột, còn có tác dụng tăng tiết nước bọt. Ngoài ra đại phúc bì còn có tác dụng lợi tiểu. Trên thực tế, khi trị sán dây, người ta còn phối hợp binh lang (20 - 40g) với 40 g hạt bí ngô. Có thể sắc riêng binh lang, lấy nước uống với bột hạt bí ngô, uống vào lúc đói. Khi sán đã bắt đầu ra, bệnh nhân cần ngồi vào chậu nước ấm tới khi cho sán ra hết. Đối với đại phúc bì, dùng trị bệnh báng (chứng tích nước trong phúc mạc, viêm gan cổ trướng), tiểu tiện khó khăn, buốt dắt. Có thể phối hợp trong cổ phương Ngũ bì ẩm: đại phúc bì, khương bì, tang bạch bì, phục linh bì, trần bì, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang, uống liền 2 - 3 tuần lễ.
Vỏ trong miếng trầu tức vỏ cây chay được dùng để trị đau răng và làm cho răng bền chắc, nhất là khi bị lung lay; có thể sắc nước ngậm nhiều lần trong ngày.
Vôi trong miếng trầu: Chất kiềm Ca(OH)2 trong vôi tôi kết hợp với tinh dầu trong lá trầu không tạo phản ứng tỏa nhiệt do đó làm cơ thể ấm lên.
Theo SK & ĐS Online