Cập nhật: 20/12/2010 15:48:28 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời tiết lạnh ẩm của mùa đông - xuân đang là cơ hội thuận lợi cho nhiều loại virut, vi khuẩn gây dịch phát triển và lây lan. Nhằm chủ động đối phó với các loại dịch bệnh trong mùa đông - xuân này, nhất là dịp cận Tết, Bộ Y tế đã chủ động mọi phương án để đối phó, nhằm mang lại một cái Tết an toàn cho người dân.

Nguy cơ dịch bệnh luôn rình rập

 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2010, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt các bệnh cúm A/H5N1, tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác.

 

Trong khi đó tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay cũng đã ghi nhận 7 trường hợp mắc cúm A/H5N1 ở 6 địa phương trong cả nước, trong đó 2 bệnh nhân đã tử vong. Mặc dù các tháng cuối năm không ghi nhận thêm ca bệnh cúm A/H5N1 trên người nhưng đã phát hiện các ổ dịch cúm trên gia cầm ở 3 địa phương, đại diện cho cả 3 miền đất nước là: Nam Định, Nghệ An và Cà Mau. Bên cạnh đó, nhiều dịch bệnh khác cũng lưu hành ở các mức độ khác nhau. Cúm A/H1N1 đại dịch làm 11.247 người nhiễm bệnh ở cả 63 tỉnh/TP, lấy đi sinh mạng của 61 người. Sốt xuất huyết vẫn lưu hành ở mức độ cao tại các tỉnh phía Nam, tăng cả về số ca mắc và số ca tử vong so với năm 2009, đặc biệt tăng đột biến ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ước tính đã có 99 ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay. Trong năm 2010, dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả cũng được ghi nhận tại 18 tỉnh/TP với 310 ca mắc. Mới đây nhất, vào đầu tháng 12/2010, đã ghi nhận 2 ca mắc tiêu chảy cấp là 2 bé trai sinh đôi, 24 tháng tuổi, ở huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh có xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả. Hai bệnh nhi đã được điều trị ổn định tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

 

Củng cố các đội cơ động sẵn sàng chống dịch

 

Bộ Y tế nhận định, nguy cơ bùng phát và lan rộng của các dịch bệnh trên là rất lớn. Để chủ động và tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trước và trong Tết Nguyên đán 2011 sắp tới, Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao trách nhiệm cho các giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là cúm A/H5N1, A/H1N1, tả, sốt xuất huyết… Củng cố các đội cơ động chống dịch sẵn sàng triển khai nhiệm vụ khi được điều động. Chuẩn bị cơ số thuốc men, hóa chất, vật tư cho phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch thường xuất hiện trong mùa đông xuân và hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ sức khỏe bằng vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường... Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan trong việc triển khai công tác phòng chống dịch, đặc biệt phối hợp với ngành nông nghiệp trong việc giám sát, phát hiện, khai báo, xử lý dịch cúm A/H5N1, sử dụng rộng rãi cloramin B để khử trùng, tẩy uế, xử lý triệt để ổ dịch cúm gia cầm. Đây là động thái tích cực của ngành y tế trong việc chủ động ngăn chặn sự lây lan của cúm A/H5N1 từ gia cầm sang người. Bởi theo cảnh báo của ngành nông nghiệp, hiện đang là thời điểm thuận lợi cho virut cúm gia cầm phát triển trong khi dịch bệnh này đã được phát hiện trên đàn gia cầm, thủy cầm ở 3 tỉnh và nguy cơ virut cúm gia cầm phát tán, lây lan sang các tỉnh khác là rất cao. Cùng với đó, hoạt động phòng chống dịch bệnh của ngành y tế ở các địa phương có cửa khẩu quốc tế cũng được thắt chặt hơn. Phát hiện cách ly và xử lý kịp thời để dịch bệnh không thể xâm nhập, lây lan vào nội địa. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên ngành trong việc kiểm tra, giám sát gia cầm, thực phẩm nhập khẩu và vận chuyển qua biên giới.

 

Cứ đến hẹn lại lên, thời điểm từ nay cho đến Tết Nguyên đán, các cửa khẩu sẽ vẫn là những “điểm nóng” trong cuộc chiến chống hàng lậu, trong đó có gia cầm và các mặt hàng thực phẩm mà ngành y tế cùng với các ngành chức năng khác phải đối mặt.

 

 

Theo SK & ĐS Online

Tệp đính kèm