Loãng xương (LX) còn gọi là bệnh xốp xương do các bè xương bị mỏng đi và xương bị mất chất khoáng. LX thường xảy ra ở người cao tuổi, đặc biệt ở phụ nữ, làm gia tăng nguy cơ bị gãy xương. Vitamin E thường được dùng rộng rãi trong nhân dân do nhiều người coi là một loại thuốc bổ cũng như được dùng trong cả điều trị và dự phòng loãng xương ở phụ nữ mãn kinh.
Nguồn gốc của vitamin E
Vitamin E có cả nguồn gốc tự nhiên và tổng hợp. Có 8 týp khác nhau của vitamin E. Vitamin E trong tự nhiên có mặt ở các loại thực phẩm khác nhau như dầu thực vật, hạt (hạnh nhân, hạt phỉ), rau bina và bông cải xanh, một số loại rau xanh có lá. Dạng tổng hợp của vitamin E là tocopheryl acetate.
Tác dụng của vitamin E
Vitamin E là chất chống ôxy hóa, có thể bảo vệ cơ thể khỏi phản ứng có hại của các gốc tự do. Do đặc tính chống ôxy hóa này mà vitamin E được cho rằng có tác dụng chống lão hóa và cải thiện sức khỏe. Vitamin E cũng góp phần điều trị các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, một số bệnh lý ngoài da như ngứa. Phụ nữ sau mãn kinh thường dùng vitamin E để dự phòng các bệnh lý tim mạch, một số loại ung thư và quá trình lão hóa.
Vitamin E trước đây từng được coi là một giải pháp có ích trong điều trị và dự phòng loãng xương ở phụ nữ vì giá rẻ và ít có tác dụng phụ, có thể dùng khi bệnh nhân không có điều kiện sử dụng các thuốc chống loãng xương như biphosphonat. Vitamin E cũng đã chứng tỏ có tác dụng trong điều trị chứng bốc hỏa, khô âm đạo ở phụ nữ mãn kinh.
Tuy nhiên, năm 2011 đã có cảnh báo đầu tiên về tác dụng có hại của vitamin E có thể tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến. Một nghiên cứu mù đôi, đối chứng cho thấy, nếu đàn ông dùng hàng ngày 400 IU vitamin E thì có nguy cơ tăng ung thư tiền liệt tuyến lên 17%.
Vitamin E có thể gây loãng xương trên chuột thí nghiệm
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tìm thấy mối liên kết đầu tiên giữa việc sử dụng vitamin E và loãng xương. Ở Viện đại học Keio, Tokyo (Nhật Bản), các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá hiệu quả của alpha-tocopherol, là một dạng phổ biến nhất của vitamin E trong các loại thuốc bổ đang được hàng triệu người Mỹ sử dụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi cho chuột ăn một liều vitamin E tương tự như trong thuốc bổ thì xương chuột trở nên mỏng đi. Chuột bị loãng xương sau 8 tuần dùng chế độ ăn có bổ sung vitamin E so với chuột ăn theo chế độ ăn bình thường hàng ngày. Nhiều động vật khác giảm khoảng 20% mật độ xương sau khi dùng bổ sung vitamin E. Nghiên cứu khác cũng cho thấy, chuột biến đổi gen để gây thiếu vitamin E có mật độ xương cao.
Để giải thích điều này, nhóm nghiên cứu do GS. Shu Takeda của Trường đại học Keio (Nhật Bản) kết luận rằng, vitamin E kích thích tạo quá mức các tế bào hủy xương. Hủy cốt bào là tế bào xương có tác dụng phá hủy xương cũ để lấy chỗ cho xây dựng xương mới. Nếu hủy cốt bào mất tác dụng tiêu xương thì xương khó có thể được đổi mới, do vậy xương bị lão hóa và dễ gãy. Nếu có một số lượng hủy cốt bào đủ lớn, cùng với chế độ nuôi dưỡng và hoạt động thể lực đầy đủ thì xương có thể đổi mới, chắc khỏe hơn. Hủy cốt bào bình thường hoạt động nhịp nhàng với các tế bào tạo xương để duy trì sức mạnh của xương. Tuy nhiên, nếu hủy cốt bào hoạt động quá mức thì sẽ gây ra loãng xương.
Kết quả này cũng là hồi chuông báo động với việc sử dụng thuốc bổ có chứa liều cao vitamin E ở người.
Liệu vitamin E trong thuốc bổ có thể gây loãng xương ở người sử dụng?
GS. Takeda phát biểu với báo giới rằng, hàm lượng vitamin E trong thuốc bổ có thể làm xương yếu ớt, dễ bị tổn thương. Việc dùng liều cao vitamin E có thể bị loãng xương. Do vậy cần những nghiên cứu lớn hơn để xác định các mức độ bổ sung vitamin E nào có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
GS. MacDonald, cố vấn của Hội Loãng xương Anh giải thích, không có gì phải bận tâm khi bạn tiếp nhận được nhiều vitamin E từ thức ăn hàng ngày, nhưng nếu bạn dùng liều cao vitamin E trong thuốc bổ thì đó là điều đáng lo ngại. Bạn cần nhớ rằng các nghiên cứu chỉ mới tiến hành trên động vật, còn kết quả trên người thì sẽ rất khác. Các nhà khoa học Anh cũng hoài nghi về tác dụng thực sự của các loại thuốc bổ sung vitamin E.
Cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để khẳng định tác động của vitamin E trên xương của con người. Các kết quả nghiên cứu sẽ góp phần làm sáng tỏ việc sử dụng thực phẩm bổ sung.
Vì vậy, tốt nhất là bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại vitamin bổ sung nào.
Theo PGS.TS. Nguyễn Vĩnh Ngọc /SKĐS