Cập nhật: 02/05/2012 15:31:10 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nguy cơ lớn nhất khi ăn mặn là cơ thể bị hấp thu lượng muối quá nhiều gây nên huyết áp cao dẫn đến đột quỵ, đau tim, đau thận và chứng mất trí. Bên cạnh đó việc ăn mặn, ăn nhiều muối cũng lien quan đến nhiều bệnh khác như ung thư bao tử, xương yếu bị biến dạng, sạn thận…

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 17,3 triệu người tử vong do bệnh tim mạch, trong đó có cao huyết áp, suy tim chiếm đến 30% nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho con người.

 

"Mặn mà khó quên" dẫn đến "bệnh vì... ăn mặn"

Nếu ăn quá nhiều muối, các mô trong cơ thể sẽ bị giữ nước và tạo thêm áp lực cho các mạch máu, gây ra tổn hại”.

 

Ăn mặn làm tăng bệnh cao huyết áp: thói quen ăn mặn hoặc chế biến mặn các loại thức ăn sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, cơ thể sẽ có cảm giác khát, dẫn đến uống nước nhiều (quá lượng nước cho phép), tích giữ nước trong cơ thể gây tăng huyết áp. Thống kê cho thấy mỗi người dân hấp thụ 15 - 20g muối/ngày, quá cao (gấp 3 lần) so với kiến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (3 - 5g muối/ngày). Do vậy, người bị bệnh cao huyết áp, tim mạch, gan, thận nên hạn chế lượng muối hấp thụ.

 

Ăn mặn làm tăng bệnh đái tháo đường: người bị bệnh đái tháo đường nên hạn chế hấp thụ muối ăn. Sau khi đi vào cơ thể, muối ăn có thể kích hoạt hoạt tính của Amylase, tăng tốc tiêu hóa nâng cao sự tái hấp thụ glucose, từ đó gây ra tình trạng tăng đường huyết sau khi ăn. Người bị bệnh đái tháo đường nên ăn dưới 2g muối/ngày, mùa hè ăn tối đa 3g muối/ngày.

 

Ăn mặn làm tăng nguy cơ suy tim, suy thận, loãng xương: ăn mặn khiến cơ thể cũng tìm cách tăng đào thải natri qua nước tiểu, dẫn tới mất kali, canxi và nhiều khoáng chất khác và gây “mệt mỏi” cho hệ bài tiết, làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các cơ quan này.

 

Ăn mặn tăng nguy cơ loét dạ dày - tá tràng: ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư đường tiêu hóa.

 

10 mẹo giảm thói quen ăn mặn

 

Nhiều người nghèo thường có thói quen ăn mặn để tiết kiệm tiền mua thực phẩm nên việc lập tức từ bỏ chúng là một vấn đề nan giải vì vị giác sẽ không chấp nhận việc ăn nhạt, thậm chí có người bệnh nặng gần chết vẫn đòi ăn cá kho quẹt hoặc khô cá mặn cho “đậm đà khó quên” kể cả khi bị bắt buộc phải tuân thủ theo một chế độ ăn nhạt bổ dưỡng cần thiết.

 

1. Khi tính muối cần tính cả lượng muối có trong các chất điều vị khác: con người hấp thụ natri không chỉ đến từ muối, còn bao gồm các thức ăn giàu natri khác như nước tương, nước mắm, cải muối, bột nêm, thực phẩm chế biến sẵn, chất điều vị đã chứa muối.

Tạp chí British Medical Journal đã đưa ra kết luận cho thấy, gia tăng khoảng 5g muối/ngày trong chế độ ăn sẽ làm tăng 23% nguy cơ đột quỵ và 17% nguy cơ bệnh tim mạch. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng giảm lượng muối 6g/ngày sẽ dẫn đến giảm huyết áp khoảng 7/4mmHg đối với người tăng huyết áp và giảm 4/2mmHg ở người huyết áp bình thường và sự thay đổi này dẫn đến giảm nguy cơ đột quỵ vào khoảng 24% cũng như giảm bệnh tim mạch khoảng 18%.

 

2. Chú ý đến lượng muối với người cao huyết áp: một chế độ ăn vừa phải muối mỗi ngày là tối ưu để phòng tăng huyết áp do ăn mặn. Người bị cao huyết áp nên ăn khoảng 2g muối/ngày tùy theo huyết áp đo được và tình trạng tim mạch. Nếu trong gia đình đã có cha, mẹ, ông, bà bị tăng huyết áp thì tốt nhất cả nhà nên tập thói quen ăn nhạt.

 

3. Tập giảm mặn: qua kinh nghiệm điều trị của các bác sĩ dinh dưỡng thì càng tăng huyết áp càng thích ăn mặn. Vì thế giảm dần lượng muối trong mỗi bữa ăn chẳng khác gì “cai nghiện” và luôn phải nhớ mới thiết lập thói quen ăn ít mặn được.

 

4. Chỉ nêm muối khi ăn: khi chế biến thức ăn không thêm muối, chỉ sau khi múc ra mới thêm ít muối trộn đều, lượng muối sẽ giảm 1/3 - 2/3.

 

5. Nấu gần chín mới thêm muối: nêm muối quá sớm sẽ làm cho sắc, hương, vị của món ăn giảm sút. Chỉ nêm muối khi thức ăn gần chín.

 

6. Khi chế biến thức ăn cần giảm dần lượng muối: nên giảm lượng muối từ từ cho đến khi đạt liều dùng như kiến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.

 

7. Khi chế biến không nếm bằng lưỡi: khi miệng cảm giác được vị mặn thì lượng muối dùng trong món ăn đã vượt quá chỉ tiêu rất nhiều vì một số thức ăn vốn đã chứa nhiều muối.

 

8. Hãy cố gắng tập thói quen nêm nếm vừa ăn hoặc hơi nhạt: vì nếu bạn phát hiện mình đã “quá tay” trong nêm nếm, thì thật sự lượng muối trong món ăn đã rất nhiều. Kiên quyết với việc tra thêm mắm, muối cho các món ăn.Từng bước giảm dần thói quen ăn mặn trong bữa cơm cho mình và các thành viên trong gia đình.

 

9. Tập trẻ em hạn chế sử dụng nước chấm trong bữa ăn.

 

10. Nhờ người thân nếm thử khi nấu ăn để ngừa việc vị giác của mình sai lệch: đôi khi vị giác bị đánh lừa vì tình trạng sức khỏe trong ngày. Hạn chế các món ăn chiên/xào cần dùng kèm với nước chấm. Nên sử dụng nước mắm pha loãng (cùng tỏi, ớt...) trong bữa ăn hàng ngày thay vì nước chấm mặn nguyên chất.

 

 

 

DS. TRƯƠNG TẤT THỌ

Theo SK & ĐS Online

Tệp đính kèm