Nhịp tim nhanh là một trong những rối loạn nhịp thường gặp ở trẻ em nhưng việc chẩn đoán và điều trị lại rất khó khăn, thậm chí rất dễ bị nhầm với những bệnh khác.
Tưởng con động kinh, hóa ra rối loạn nhịp tim
Sau 2 năm được chẩn đoán và điều trị bệnh động kinh ở địa phương, cháu Ngô Văn Duy (14 tuổi, ở TP. Hải Phòng) vẫn không thể chấm dứt những cơn ngất bất thường. Đến khi nghe có người mách uống mật kỳ đà có tác dụng tốt với bệnh của con, chị Huệ (mẹ cháu Duy) cũng thử làm theo. Không ngờ vừa uống xong, Duy bị lên cơn co giật, ngất, chị vội vàng đưa đi cấp cứu.
Sau đó, vì tình trạng nặng, cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, cháu được phát hiện là có đường dẫn truyền bất thường trong tim, gây nhịp tim nhanh và là nguyên nhân gây ngất. Các bác sĩ kết luận con bị rối loạn nhịp tim chứ không phải động kinh, chị Huệ đã rất bất ngờ. "Biết được bệnh chính xác của con, tôi mừng nhưng lo lắng lắm, hy vọng bệnh viện sẽ có phương pháp điều trị thích hợp cho cháu", chị Huệ chia sẻ.
Chị Huệ cũng cho biết, khi Duy mới 2 tháng tuổi, chị từng đưa con đi cấp cứu vì bị viêm màng não. Hậu quả để lại là di chứng về vận động, cháu đi lệch, liệt một tay. Theo các bác sĩ, đây có thể là lý do khiến bệnh của trẻ bị chẩn đoán nhầm thành động kinh.
May mắn hơn Duy là cháu Lê Văn Giáp (8 tuổi, cũng ở Hải Phòng) đã được phát hiện bị nhịp tim nhanh từ lâu. Chỉ trong 2 năm qua, Giáp đã phải nhập viện tới 6 lần, đã được điều trị bằng thuốc chống loạn nhịp tim nhưng kết quả không khả quan, cơn nhịp tim nhanh vẫn tái phát.
BS. Nguyễn Thanh Hải - khoa Tim mạch, người trực tiếp điều trị cho 2 bệnh nhi trên cho biết: "BV đã phối hợp với Trung tâm Tim mạch quốc gia Singapore điều trị triệt để cho 2 bệnh nhi bằng kỹ thuật đốt triệt đường dẫn truyền bất thường trong tim bằng sóng radio cao tần vào ngày 24/7 vừa qua, chúng tôi đã kiểm tra lại, trẻ hồi phục tốt, không có biến chứng, không phải dùng thuốc. Hiện 2 cháu đã được xuất viện trong tình trạng hoàn toàn ổn định".
Chẩn đoán khó khăn
Theo GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, nhịp tim nhanh là một trong những rối loạn nhịp thường gặp ở trẻ em. Cơn nhịp tim nhanh kịch phát có thể gây suy tuần hoàn, hô hấp, thậm chí đột tử. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại di chứng lâu dài.
Bệnh có thể biểu hiện với một hoặc vài trong các triệu chứng như: ngất, đánh trống ngực, tim đập nhanh, tức ngực, khó thở hoặc hoa mắt chóng mặt. Với trẻ nhỏ hay trẻ bú mẹ thường khó phát hiện, trẻ có thể biểu hiện triệu chứng như bỏ bú, bú kém, quấy khóc, da tái và lạnh, vã mồ hôi, thở nhanh, tim đập nhanh.
"Bệnh tiềm ẩn bên trong cơ thể, có thể xuất hiện đột ngột ở bất kỳ độ tuổi nào hay xuất hiện trong 3 tháng đầu sơ sinh. Ngoài ra, không phải trường hợp nào bệnh biểu hiện cũng nặng, có trẻ chỉ thoáng qua, có trẻ lại bị nặng. Có trẻ sơ sinh sau khi điều trị bệnh giảm nhưng đến 5-7 tuổi hoặc khi bước vào giai đoạn dậy thì lại bộc phát", BS. Nguyễn Thanh Hải - khoa Tim mạch cho biết. Chẩn đoán cơn nhịp tim nhanh thường khó khăn và dễ bị bỏ sót, thậm chí chẩn đoán nhầm với các tình trạng bệnh khác. Trước đây, các bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim thường được điều trị bằng thuốc và bệnh nhi thường phải nhập viện nhiều lần do tình trạng bệnh không chấm dứt hẳn.
Thêm hy vọng cho những bệnh nhi bị rối loạn nhịp tim
Phương pháp đốt triệt đường dẫn truyền bất thường trong tim bằng sóng radio cao tần là phương pháp điều trị can thiệp triệt để nhất, có tỷ lệ thành công cao (có thể lên tới 95 - 98%), an toàn, ít biến chứng, tiết kiệm chi phí và thời gian điều trị hơn phương pháp dùng thuốc chống loạn nhịp thông thường. Thời gian can thiệp mỗi ca từ 2 - 3 giờ đồng hồ. Kỹ thuật này đã được áp dụng ở nhiều nước phát triển, một số bệnh viện ở Việt Nam cũng đã áp dụng phương pháp này trên những bệnh nhân là người trưởng thành.
Nhưng kỹ thuật đốt triệt với sóng radio cao tần điều trị bệnh rối loạn nhịp tim nhanh đối với trẻ em lại là một kỹ thuật khó hơn trên nhiều phương diện vì: kích thước giải phẫu hệ tim mạch nhỏ, rối loạn nhịp gặp nhiều hơn ở những trẻ có các dị tật tim bẩm sinh nên cấu trúc tim sai lệch. Chính vì vậy, kĩ thuật này đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối, nếu không sẽ có thể gây các biến chứng nghiêm trọng như chảy máu, tắc mạch, tràn khí màng phổi, tràn máu màng tim; ngoài ra, một số trường hợp còn gây thủng cơ tim, tổn thương van tim hoặc đường dẫn truyền bình thường gây nhịp tim chậm…
Trong 1 năm qua, tại BV Nhi TW ghi nhận trên 80 ca bệnh nhi bị cơn nhịp tim nhanh kịch phát. Theo BS. Nguyễn Thanh Hải - khoa Tim mạch, số bệnh nhi bị rối loạn nhịp tim sẽ ngày càng tăng bởi rối loạn nhịp tim có thể xuất phát là bệnh bẩm sinh hoặc là biến chứng của phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh. Người bệnh sau phẫu thuật tim 10 năm, khoảng 30% bị rối loạn nhịp tim, tỷ lệ này tăng lên đến 40% sau 15 năm và sau 20 năm thì hầu như ai cũng bị. Chính vì vậy, việc triển khai và áp dụng thành công kĩ thuật này ở Bệnh viện Nhi TW sẽ mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhi, nhất là những bệnh nhi nhỏ tuổi bị cơn nhịp tim nhanh kém đáp ứng với việc điều trị bằng các thuốc chống loạn nhịp thông thường.
Theo SK & ĐS Online