Chuyện các cầu thủ Đồng Nai dàn xếp tỷ số trong trận gặp Than Quảng Ninh tại V-League 2014 có thể gây sốc, nhưng lại chẳng là bất ngờ nếu xâu chuỗi lại những scandal kể từ ngày bóng đá lên chuyên.
Các cầu thủ Đồng Nai nhận tội.
Từ chuyện "com-bin, móc ngoặc"...
Bóng đá thời còn bao cấp, tức là thời mà bóng đá đỉnh cao là câu chuyện riêng của các tỉnh, thành, ngành... thì hiện tượng tiêu cực đã sớm xuất hiện. Tuy nhiên, vào cái thời mà bóng đá sống bằng ngân sách và cầu thủ cũng là cán bộ, công nhân viên ấy, chuyện tiêu cực không gây sốc, không nhuốm màu tiền bạc như lúc này.
Thời đó, hiện tượng tiêu cực phổ biến nhất là chuyện "com-bin, móc ngoặc", cụ thể hơn là một vài, hoặc nhiều đội bóng ngầm bắt tay với nhau. Chủ yếu là chuyện "cho-xin" điểm số để giúp nhau trụ hạng. Nhưng ngay cả hiện tượng này cũng đã trở thành vấn nạn lớn cho cả nền bóng đá quốc gia. Theo thống kê, đỉnh điểm là mùa giải 1995, khi có đến 12 trận đấu bị dàn xếp tỷ số, chiếm tỷ lệ đến 14% với cao trào là vụ "lật kèo" tại miền Trung khi có hàng loạt đội bóng không thi đấu vòng chung kết ngược, khiến BTC phải xử xuống hạng.Nhiều biện pháp đã được đưa ra, từ trừ điểm, đánh xuống hạng... Thậm chí, giải VĐQG năm 1999 chỉ còn là giải tập huấn (không có đội lên xuống hạng), nhưng tiêu cực chẳng hề biến mất mà còn biến thái sang dạng nguy hiểm hơn.
... đến "bán mình cho quỷ dữ"
Năm 2000, bóng đá lên chuyên và cũng là điểm xuất phát của trào lưu "bóng đá doanh nghiệp". Việc doanh nghiệp đổ tiền vào sân cỏ nội đã tạo nên sự thay đổi lớn cho bóng đá Việt Nam với không ít những kỳ vọng cũng rất lớn.
Bóng đá lúc này không chỉ là câu chuyện gắn với địa phương mà còn gắn cả với thương hiệu của doanh nghiệp. Đời sống bóng đá cũng hoàn toàn thay đổi với thu nhập cao hơn (thậm chí cao hơn nhiều so với mặt bằng xã hội) cùng những khái niệm mới như ông bầu, ngôi sao, hợp đồng bạc tỷ... ra đời.Cứ tưởng những thay đổi đó sẽ giúp các đôi chân đứng vững hơn trên sân cỏ để cống hiến cho người hâm mộ, nhưng đáng tiếc, mặt trái của cơ chế thị trường cũng phủ bóng đen lớn lên cầu trường.Chuyện "com-bin, móc ngoặc" quả thật đã không còn xuất hiện nhiều, nhưng thay vào đó lại là những vụ bán độ, dàn xếp tỷ số của không ít những người sống trong môi trường bóng đá để nhận những đồng tiền từ "quỷ dữ" - giới cá độ chuyên nghiệp.Năm 2005, SEA Games tại Philippines trở thành nỗi đau lớn cho người hâm mộ nước nhà khi một nhóm cầu thủ "bán mình", rồi phải ra trước vành móng ngựa mà không ít trong số đó kết thúc sự nghiệp.Phải đối mặt với pháp luật, không chỉ có cầu thủ mà còn cả trọng tài, quan chức bóng đá liên quan.
Và chưa hề dừng lại
Những bước tiến là không thể phủ nhận. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, những scandal bán độ đang làm xấu đi hình ảnh của bóng đá Việt Nam không chỉ trong mắt người hâm mộ mà cả với dư luận quốc tế.
Tiếc là căn bệnh trầm kha đó ngày càng nặng hơn đến mức quan ngại. Chỉ trong mùa giải 2014 này, liên tiếp 2 vụ việc lớn đã xảy ra. Đầu tiên là việc 9 cầu thủ V.Ninh Bình tham gia cá độ trận đấu giữa V.Ninh Bình và Kelantan (Malaysia) trong khuôn khổ vòng đấu bảng AFC Cup.Vụ việc ra tới tầm quốc tế khiến đội bóng này quyết định không tham dự V-League và các cầu thủ liên quan đang chờ phải hầu tòa sau khi các cơ quan điều tra hoàn tất vụ án.
Chưa dừng lại ở đó, 6 cầu thủ Đồng Nai cũng vừa phải cúi đầu thú nhận "nhúng chàm" khi dàn xếp tỷ số tại vòng 21 V-League. Quan ngại hơn, theo cơ quan điều tra, nhóm cầu thủ này còn dàn xếp bán tỷ số nhiều trận đấu khác, đặc biệt là trong thời gian World Cup 2014.
Đã tới lúc phải làm "sạch"!
Không quy chụp cho cả nền bóng đá và những kẻ "nhúng chàm" sẽ phải trả giá cho những hành vi vi phạm pháp luật của mình. Nhưng rõ ràng, nếu đi tìm những nguyên nhân sâu xa hơn của những hành vi đó, thì sự liên đới của cả nền bóng đá là có thật.
14 năm chuyên nghiệp, nhưng bóng đá vẫn chưa thể tự nuôi sống được chính mình mà vẫn sống dựa vào hầu bao doanh nghiệp. Rồi dù đời sống xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng bóng đá vẫn là địa hạt nằm ngoài vùng xoáy ấy với mức thu nhập cao hơn nhiều so với mặt bằng chung.Nhưng sự ưu ái của xã hội, của người hâm mộ không được một bộ phận cầu thủ đáp đền mà thay vào đó những hành vi tiêu cực, kiếm tìm lợi ích cá nhân bằng mọi giá, xuất phát từ cái gốc là thiếu sự giáo dục tư cách, đạo đức đầy đủ; thiếu ý thức trách nhiệm nghề nghiệp.
Hồi chuông cảnh báo lần nữa vang lên và đã tới lúc nếu bóng đá Việt Nam không tự làm lành mạnh được mình thì chẳng thể có cơ hội phát triển. Thay vì chỉ hô hào, đã tới lúc cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các tổ chức, cá nhân quản lý, điều hành bóng đá.
Cần mở rộng hơn các cuộc điều tra, những nghi án tiêu cực cần được xử lý quyết liệt và cần cách ly vĩnh viễn những cá nhân "nhúng chàm" khỏi đời sống bóng đá. Bài học chẳng đâu xa, chính Malaysia đã thành công khi mạnh tay với tiêu cực để vươn lên trở thành nền bóng đá hàng đầu trong khu vực.
Muộn còn hơn không!
Theo Hoàng Hà/Chinhphu.vn