Cập nhật: 23/07/2014 16:04:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tiêu cực trong thi cử hiện nay bắt nguồn từ bệnh thành tích và những tiêu cực trong xã hội. Muốn dẹp bỏ tiêu cực trong thi cử thì phải dẹp từ "nguồn".

Thực hiện Nghị quyết 29 -NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo, việc đổi mới thi cử đang được Bộ GD-ĐT chú trọng đặt lên hàng đầu. Theo đó, Bộ đang hướng tới chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia chung theo cách gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ vào làm một. Kết quả của kỳ thi quốc gia chung sẽ được lấy làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, một kỳ thi quốc gia chung được thực hiện tốt sẽ tạo chuyển biến mới trong công tác thi cử và tạo điều kiện điều chỉnh việc giảng dạy, học tập ở trường phổ thông. Tuy nhiên, việc gộp 2 kỳ thi làm một tự nó không giải quyết được 2 vấn đề mà dư luận xã hội đang phàn nàn. Đó là thi cử còn nhiều tiêu cực, không phản ánh được chính xác kết quả học tập của học sinh. Việc tổ chức 2 kỳ thi liên tục khiến thi cử cồng kềnh, tiêu hao nhiều thời gian, sức lực và kinh phí của học sinh, gia đình và Nhà nước.

 

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết

Tiêu cực trong thi cử hiện nay bắt nguồn từ bệnh thành tích và những tiêu cực trong xã hội. Muốn dẹp bỏ tiêu cực trong thi cử thì phải dẹp từ “nguồn”. Tuy vậy, ngành giáo dục vẫn có thể góp phần khắc phục tình trạng này bằng việc đổi mới cách ra đề thi và tổ chức thi ít nhất 2 lần trong năm để giảm bớt áp lực “phải đỗ” đối với thí sinh. Dĩ nhiên là tổ chức thi 2 lần hoặc nhiều lần trong năm thì phải giao cho một tổ chức khảo thí chuyên nghiệp, chứ Bộ GD-ĐT không thể “gánh” được.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ có những yêu cầu khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ có mục đích xác nhận trình độ của học sinh nên có bao nhiêu em đạt được trình độ theo yêu cầu thì bấy nhiêu em sẽ được công nhận đỗ tốt nghiệp.Còn kỳ thi ĐH, CĐ mang tính tuyển lựa, số điểm thí sinh đạt được là điểm cạnh tranh theo chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi trường. Mỗi trường, thậm chí mỗi ngành, đều có yêu cầu riêng trong tuyển chọn đầu vào. Do đó, dù đã có kết quả từ một kỳ thi quốc gia “2 trong 1”, nhiều trường, nhất là những trường tốp đầu, những trường đòi hỏi năng khiếu, vẫn phải có thêm một kỳ thi để chọn lựa sinh viên phù hợp với yêu cầu, đặc thù của trường.

 Nên thành lập tổ chức khảo thí độc lập

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, một kỳ thi chung có thể gồm nhiều bài thi, mỗi bài thi không chỉ kiểm tra kiến thức, kỹ năng của một môn học như hiện nay mà kiểm tra kiến  thức, kỹ năng một số môn liên quan và năng lực tổng hợp từ những kiến thức, kỹ năng riêng đó. Ví dụ bài thi thứ nhất kiểm tra kiến thức tổng hợp của các môn tự nhiên như: Toán, Lý Hóa; bài thi thứ hai có thể gộp một số môn xã hội: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Công dân… Vì đây là kỳ thi có hai mục đích nên cấu tạo từng đề thi cũng phải được thay đổi. Phải có một phần để xét tốt nghiệp THPT cho học sinh và một phần có tính chất tuyển lựa, phân hóa để xét tuyển thí sinh vào các trường ĐH, CĐ.Ở Việt Nam, hiện nay Bộ GD-ĐT vẫn chịu trách nhiệm tổ chức thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm. Nhưng nếu Bộ quanh năm lo tổ chức thi cử thì  không còn thời gian để đầu tư cho công tác quản lý nhà nước nữa. Trong khi đó, nước ta chưa có tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nào đủ năng lực để đảm nhiệm công việc này. Nó cũng là công việc nhiều rủi ro, ít lợi ích, không hấp dẫn bằng mở trường, do đó cũng chưa có ai đứng ra gánh vác. Thông thường, những việc xã hội không sẵn sàng gánh vác thì Nhà nước phải làm.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết kiến nghị, Nhà nước nên thành lập một tổ chức khảo thí riêng không thuộc Bộ GD-ĐT để tổ chức thi và kiểm định chất lượng GD-ĐT nói chung. Như vậy, việc đánh giá chất lượng GD-ĐT cũng sẽ có tính khách quan nhiều hơn./.

 

 

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm