Phương thức tuyển sinh những năm tới của các trường ĐH, CĐ chủ yếu là lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển hoặc theo tuyển sinh riêng.
Sắp tới, phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) sẽ có nhiều sự thay đổi lớn. Vì vậy, điểm sàn và việc tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) theo phương thức 3 chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển) sẽ không còn tồn tại lâu dài.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, phương thức tuyển sinh những năm tới của các trường ĐH, CĐ chủ yếu là lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Các trường có phương án tuyển sinh riêng, tùy theo đặc thù của mình có thể tổ chức thêm 1 đợt thi để kiểm tra, đánh giá thí trước khi quyết định tuyển chọn thí sinh vào trường.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga
PV: Năm nay, Bộ GD-ĐT có sự thay đổi về điểm sàn từ 1 mức tăng lên thành 3 mức. Xin Thứ trưởng cho biết mục đích của việc thay đổi mức điểm sàn?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Nếu như mọi năm chỉ có 1 mức điểm sàn thì năm nay, Bộ GD-ĐT quy định 3 mức điểm sàn. Đây là điểm khác biệt nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho tất cả các trường lấy thí sinh vào trường nhưng vẫn đảm bảo nguồn tuyển.
Theo đó, Bộ quy định 3 mức điểm sàn ĐH khối A, A1, C và D là 13, 14 và 17 điểm. Khối B cũng có 3 mức điểm sàn là: 14, 15, 18. Điểm sàn hệ CĐ kém hơn hệ ĐH 3 điểm (tương ứng với từng khối). Như vậy, mức điểm sàn cao nhất đối với khối A, A1, C, D là 17; khối B là 18. Mức điểm sàn cao nhất này có khoảng 20-25% thí sinh dự thi ĐH, CĐ. Với mức điểm này, sau kỳ thi ĐH-CĐ 2014, cả nước có khoảng 650.000 thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên, đồng nghĩa với việc có cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 là 350.000 sinh viên. Như vậy, khoảng 300.000 thí sinh đủ điểm sàn nhưng vẫn có thể trượt ĐH.
Với 3 mức điểm sàn được đưa ra là để phân tầng chất lượng các trường ĐH, CĐ. Theo đó, những trường ĐH tốp trên (trường có chất lượng đào tạo tốt) sẽ có căn cứ xét tuyển thí sinh vào trường ở mức điểm sàn cao, trường ở hạng trung bình hoặc vừa mới thành lập sẽ có mức điểm sàn thấp hơn.
Việc Bộ GD-ĐT quy định 3 mức điểm sàn khác nhau cũng là để các trường ĐH, CĐ cân nhắc các trường quy định mức điểm chuẩn dựa theo điểm sàn ở ngưỡng nào trong bảng xếp hạng phân tầng các trường ĐH, CĐ. Theo đó, trường có uy tín, chất lượng đào tạo sẽ phải chấp nhận mức điểm sàn cao hơn. Còn trường có chất lượng thấp hơn sẽ phải ở mức điểm sàn ít hơn. Điều này cũng sẽ giúp cho các xã hội nhìn nhận được chất lượng giáo dục của các trường ĐH, CĐ trên cả nước đang ở thứ hạng nào, xếp loại ra sao.
Ngoài ra, việc quy định các mức điểm sàn khác nhau cũng là giúp các trường ĐH, CĐ luôn không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, cạnh tranh nhau để tồn tại và phát triển.
PV: Việc thay đổi điểm sàn sẽ tác động tới kỳ thi tuyển sinh, xét tuyển của các trường ĐH, CĐ trong thời gian tới như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Điểm sàn và việc tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) theo phương thức 3 chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển) sẽ không còn tồn tại lâu dài. Nguyên nhân là do Bộ GD-ĐT đang gia hạn cho các trường ĐH, CĐ trong tháng 9 này phải trình lên Bộ phương án tuyển sinh riêng theo như Luật Giáo dục ĐH quy định.
Năm nay, các trường ĐH, CĐ lấy điểm trung bình của hệ ĐH là 6 điểm, hệ CĐ là 5,5 điểm để chọn thí sinh. Tuy nhiên, trong tương lai, khi các trường đã xây dựng phương án tuyển sinh riêng thì có sẽ không lấy theo tiêu chí trên nữa.
Trong rất nhiều phương thức tuyển sinh riêng, các trường ĐH, CĐ có những tiêu chí cụ thể để đảm bảo nguồn tuyển sinh “đầu vào” của mình. Phương thức và tiêu chí chọn lựa thí sinh vào trường ĐH, CĐ sắp tới không phải là cứ tuyển đủ chỉ tiêu hay cứ lấy học sinh tốt nghiệp THPT là được mà phải có những tiêu chí cụ thể, khác nhau để chọn được chất lượng thí sinh vào trường.
Để hỗ trợ các trường ĐH, CĐ chọn lựa thí sinh vào trường khi thực hiện tuyển sinh riêng, Bộ GD-ĐT đang trưng cầu ý kiến xã hội về Dự thảo 3 phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Kết quả của kỳ thi này sẽ là căn cứ quan trọng để các trường ĐH, CĐ xét tuyển thí sinh vào trường. Sau đó, các trường có thể thực hiện thêm các hình thức: phỏng vấn, kiểm tra IQ, làm bài luận…
Chỉ có những trường tốp trên (trường chất lượng cao), có tính đặc thù về khoa học mới có thể tổ chức thi riêng theo đề riêng của trường. Tuy nhiên, trường đó phải đảm bảo chất lượng về đề thi.
PV: Như vậy, phương thức tuyển sinh những năm tới của các trường ĐH, CĐ chủ yếu là lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thí sinh kèm theo các hình thức đánh giá bổ sung. Vậy Bộ GD-ĐT có những biện pháp gì để đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi tốt nghiệp THPT?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Để các trường ĐH, CĐ có thể tự tin lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT xét tuyển thí sinh vào trường, sắp tới, Bộ GD-ĐT phải có những biện pháp đảm bảo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, công bằng, khách quan. Các phương án đưa ra gồm: tổ chức thi theo cụm ở tỉnh, chấm thi theo vùng. Những khu vực liên tỉnh thì bài thi của thí sinh sẽ được dồn lại 1 nơi để chấm với sự huy động nhiều giảng viên các trường ĐH, CĐ cùng với giáo viên trường THPT tham gia chấm thi. Những mặt tích cực của kỳ thi ĐH theo phương thức 3 chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển) sẽ được phát huy để ứng dụng trong việc tổ chức và chấm thi tốt nghiệp THPT.
Nhằm đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, từ 2 năm nay, Bộ GD-ĐT đã cho phép thí sinh mang các thiết bị ghi âm, ghi hình đảm bảo theo tiêu chí của Bộ vào phòng thi nhằm phát hiện gian lận, tiêu cực. Việc làm này cũng sẽ được tiếp tục thực hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015. Ngoài ra, có nhiều ý kiến cho rằng, tại các hội đồng thi cần lắp thêm camera để giám sát quá trình làm bài của thí sinh. Bộ GD-ĐT cho rằng, đây là đề xuất rất hay. Tuy nhiên, Bộ còn đang cân nhắc và vấn đề vướng mắc nhất hiện nay là kinh phí để thực hiện.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.
Theo Bích Lan/VOV.VN