Cập nhật: 19/08/2014 14:07:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

UBND TPHCM đã giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án Sách giáo khoa (SGK) điện tử 3D cho tất cả các môn học của 3 lớp 1, 2, 3 trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để bắt đầu thực hiện từ năm học 2014-2015.

 

Sử dụng SGK Điện tử, chương trình học tập sẽ được cài đặt vào máy tính bảng để học sinh và giáo viên cùng sử dụng.

Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo và dục Đào tạo TPHCM, hiện các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đang sử dụng bộ SGK của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các phương pháp dạy và học truyền thống khiến học sinh tiểu học phải đem khối lượng sách vở và đồ dùng học tập khá nặng so với sức lực của độ tuổi các em. Mặt khác, do nội dung SGK thường xuyên thay đổi, cải tiến, vì vậy phụ huynh học sinh cũng phải mua sách thường xuyên.

Trong khi đó, sử dụng SGK Điện tử, chương trình học tập sẽ được cài đặt vào máy tính bảng để học sinh và giáo viên cùng sử dụng. Khi có thay đổi sẽ cài đặt trên toàn hệ thống từ đó giảm chi phí in ấn SGK và rất nhanh gọn và kịp thời.

Ngoài ra, việc sử dụng SGK điện tử còn giúp những nhà giáo dục, nhà quản lý, giáo viên nhanh chóng cập nhật những kiến thức không ngừng thay đổi của nền giáo dục.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo và dục Đào tạo TPHCM cho biết, SGK điện tử sẽ được xây dựng theo nội dung SGK chính thức của Bộ Giáo và dục Đào tạo và do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản. Bên cạnh đó, sẽ bổ sung nội dung đa phương tiện như: Hoạt hình 3D, video, bài giảng điện tử, tranh ảnh minh họa... để minh họa cho quá trình giảng dạy một cách sinh động và dễ tiếp thu hơn đối với học sinh tiểu học.

Theo đó, với bộ thiết bị dùng chung có mức độ tương tác cao cho tất cả các phòng học từ lớp 1 đến lớp 3 để thay đổi môi trường, phương pháp dạy và học hiệu quả hơn; đổi mới phương pháp quản lý giáo dục tiểu học theo hướng sử dụng công nghệ thông tin đảm bảo tính khoa học chính xác và hiệu quả; nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng kích thích tính năng động sáng tạo, khả năng tư duy của học sinh, SGK điện tử sẽ góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.

Ông Tsai I-Chang, Chủ nhiệm dự án Quốc gia về giáo dục trực tuyến tại Đài Loan (2003-2012) phân tích, đưa SGK điện tử vào giảng dạy là bước tiến cần thiết và quan trọng, phù hợp xu hướng toàn cầu trong đầu tư và nâng cao chất lượng giáo dục đạt chuẩn quốc tế.

SGK điện tử sẽ giúp cho phụ huynh có thể tương tác với con em mình; giáo viên để tăng cường hiệu quả giao tiếp trước và sau lớp học. Đặc biệt SGK điện tử sẽ nâng cao năng lực ngôn ngữ của học sinh một cách nhanh chóng và hiệu quả.

“Sẽ rất khó đổi mới giáo dục nếu không số hoá SGK. Tại Anh, từ năm 2009 gần 100% các trường cấp 1, 2 đã được lắp bảng điện tử. Hàn Quốc đã lọt vào Top 4 nước có nền giáo dục tốt nhất thế giới sau xây dựng trường học thông minh và đầu tư 2 tỷ USD của Chính phủ vào số hoá toàn bộ SGK”, ông Tsai I-Chang khẳng định.

Tuy nhiên, ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thường trực Ban tuyên giáo Trung ương tại TPHCM cho rằng, trong quá trình triển khai SGK điện tử ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cần học hỏi kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới và khu vực. Theo đó, việc đưa SGK điện tử vào trường học cần tính toán tới việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng của CNTT trong trường học; tính toán nguồn kinh phí từ ngân sách, huy động xã hội hóa cho phù hợp với điều kiện của địa phương, của nhà trường và gia đình học sinh; các chương trình đào tào phải tăng cường tính kết nối với các thư viện dữ liệu quốc tế…

Theo ông Lê Hoài Nam, sau TPHCM, hiện đã có 15 tỉnh, thành gửi đề án SGK điện tử lên Bộ

Giáo và dục Đào tạo. TPHCM hy vọng Bộ Giáo và dục Đào tạo sẽ cho ý kiến trước thềm năm học mới để kịp triển khai cho năm học 2014-2015.

Theo Thanh Thủy/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm